Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

Một lần đến Trường Sa


 Võ Đông Điền

Năm 2009, tôi cùng với đoàn cán bộ Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đi thăm và làm việc trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa. Đoàn gồm 10 thành viên do Bà Đào Ngọc Nữ, Nguyên Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch  Uỷ ban MTTQVN tỉnh làm Trưởng đoàn. Ngoài đoàn Bình Dương còn có các đoàn cán bộ lãnh đạo của các tỉnh, thành khác như : Hải Phòng, Đà Nẳng, Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu và các phóng viên báo, đài của trung ương và địa phương.
          6 giờ 30 sáng ngày 12/4/2009, Đoàn được xe của Bộ Tư lệnh Hải quân đưa từ Nhà khách Hải quân ra cảng Cát Lái. Sau khi làm Lễ xuất quân, chiếc tàu HQ 936 thuộc vùng 4 Hải quân bắt đầu nhổ neo rời bến cảng, chạy dọc theo sông Thị Vải ra hướng Vũng Tàu.
          Với tốc độ 8 hải lý/giờ, sau 6 tiếng đồng hồ kể từ lúc khởi hành, tàu mới ra đến phao số 0. Lúc này, cảnh trời nước mênh mông đã hiện ra trước mắt mọi người. Trời yên, biển lặng, con tàu cứ dập dềnh, lầm lũi tiến đi. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi được đi tàu ra biển. Cái cảm giác đầu tiên của một người khi đứng giữa biển khơi đó là cái cảm giác mình quá nhỏ nhoi trước biển. Ngay cả con tàu có chiều dài gần 100 mét mà tôi có cảm giác nó cũng nhỏ bé như một chiếc thuyền con giữa mặt hồ bao la. Bất chợt, tôi lại  nhớ đến hai câu thơ của nhà thơ Xuân Quỳnh trong bài Thuyền và biển :

   Chỉ có thuyền mới hiểu
                                Biển mênh mông nhường nào
   Chỉ có biển mới biết
                                  Thuyền đi đâu về đâu …

Võ Đông Điền trên đường ra đảo Nam Yết (Trường Sa)
Bầu trời như cái lồng chụp khổng lồ chụp lên mặt biển. Nơi tiếp giáp giữa trời và nước là một vòng tròn khép kín mà con tàu nằm ở trung tâm. Thật đúng như các nhà khoa học đã nhận xét: quả địa cầu là một hành tinh nước. Khi đứng ở đất liền nhìn ra, chúng ta đã từng biết đến cái mênh mông của biển, thế nhưng khi đứng trên một con tàu giữa biển khơi mênh mông trời nước thì cái cảm giác ấy càng tăng lên gấp bội. Có hai điều gây ngạc nhiên cho tôi trong những ngày đầu ra biển, đó là càng ra khơi xa, nước biển càng xanh đậm hơn, tưởng chừng như cái màu xanh của nước biển sắp chuyển sang màu đen . Chưa bao giờ tôi thấy biển xanh đến thế . Điều ngạc nhiên thứ hai là có những lúc biển không có gió và tất nhiên là biển không có sóng, đi tàu trên biển mà ta có cảm giác oi bức, nóng nực như những lúc im gió khi ở trên đất liền . Con tàu như đang di chuyển trên mặt hồ bao la …
          Trời yên, biển lặng và con tàu cứ dập dềnh, lầm lũi tiến đi …Thỉnh thoảng có vài chú cá heo bơi theo tàu, phóng mình lượn múa trên mặt biển như vui mừng đón chào những người khách lạ .
          Đến trưa ngày 13-4-2009, con tàu mới chỉ đi được 2/3 chặng đường để đến được hòn đảo đầu tiên. Nếu khởi hành từ Nha Trang hay Cam Ranh thì chỉ mất 36 tiếng để đến được Trường Sa, còn nếu đi từ hướng Cát Lái ra Vũng Tàu thì phải mất hơn 50 tiếng .
          Thế là giờ phút chờ đợi cũng đã đến . Sau hai này rưởi lênh đênh trên mặt biển, 11 giờ trưa ngày 14-4-2009, tàu cũng đã đến được đảo Đá Lớn. Cụm đảo Đá Lớn gồm có 3 đảo : Đá Lớn A, Đá Lớn B và Đá Lớn C, mỗi đảo cách nhau khoảng 2-3 hải lý. Nơi đoàn đến hiện giờ là đảo Đá Lớn B. Đây là một đảo chìm được tôn tạo lên cao thành nơi đóng quân của cán bộ chiến sĩ trên đảo. Nhìn từ xa, nó giống như một toà nhà mọc nhô lên mặt biển. Tuy nhiên, phần san hô nằm chìm phía dưới có diện tích còn khá lớn, nếu có điều kiện kè đá bao bọc thì diện tích sử dụng của nó có thể lên đến 10 héc-ta.
Vì phải tránh lớp san hô nằm chìm phía dưới, nên tàu phải dừng cách đảo khá xa, mọi người phải đi bằng ca-nô vào đảo. Cái cảm giác lần đầu tiên được đặt chân lên một hòn đảo nằm cách xa đất liền làm cho mọi người lâng lâng, nôn nao, lạ lẫm, hoà quyện với cái cảm xúc bồi hồi của những người chiến sĩ trên đảo khi được tiếp đón đoàn khách từ đất liền ra thăm làm mọi người đều cảm thấy hạnh phúc. Những nụ cười rạng rỡ, những cái bắt tay thân thiện, những câu chào hỏi râm ran… đã làm cho không khí trên đảo ấm áp hẳn lên.
          Không khí trên đảo càng sôi động hơn khi có tiếng nhạc, lời ca từ những diễn viên xinh đẹp của Đoàn Văn công tỉnh Bà-Rịa-Vũng Tàu.Người hát như chưa từng được hát, người nghe như chưa từng được nghe giọng hát, lời ca của những người con gái. Tôi cũng đã hát ngay ca khúc mới sáng tác của mình viết riêng cho cán bộ, chiến sĩ Trường Sa trong chuyến đi này: Trường Sa trong trái tim ta vì Việt Nam trong trái tim ta. Quê hương đất nước vẹn toàn không quên người lính đảoTrường Sa...Lời ca thể hiện sự tri ân của những người hậu phương đối với các chiến sĩ nơi đảo xa ngày đêm canh giữ biển trời để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
          Sau 4 giờ lên đảo thăm hỏi, giao lưu và làm việc với cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Lớn B, đoàn tạm biệt những người lính đảo trong bùi ngùi và nuối tiếc thời gian sao chóng qua mau. Những chiếc ca-nô lại đưa mọi người trở lại tàu. Đêm nay, tàu sẽ neo lại đây và sẽ tiếp tục cuộc hải trình vào lúc 01 giờ sáng hôm sau.
          Những hôm trước, tàu chạy suốt đêm nên mọi người hoặc vào phòng để nghỉ ngơi hoặc ra boong tàu hứng gió, rồi đong đưa trên võng tìm vào giấc ngủ, vì biển đêm chẳng có gì để ngắm, nhất là những lúc nhiều mây, bên ngoài chỉ là một màn đêm dày đặc, chỉ có những ngọn đèn lờ mờ của con tàu âm thầm, lầm lũi trong đêm.
Nhưng đêm hôm nay thì khác hẳn, ăn cơm chiều xong đã thấy các thuỷ thủ treo 2 ngọn đèn pha ở 2 bên thân tàu. Chẳng mấy chốc, từng đàn cá nhỏ li ti thấy ánh sáng bu lại mạn tàu, rồi những con cá lìm kìm biển, cá chuồn cũng từ ngoài xa theo ánh sáng đèn mà phóng tới, có con vì quá hưng phấn nên phóng quá nhanh, đâm đầu vào thân tàu bị chấn thương, bơi dật dờ trên mặt nước. Lúc này, người săn cá chỉ có mỗi một việc là lấy vợt vớt cá lên tàu. Đối với loại cá lìm kìm biển, cá chuồn thì không phải câu, chỉ đợi khi chúng “bắt đèn”, áp sát vào mạn tàu thì lấy vợt vớt lên, chủ yếu là cá chuồn, nhưng không phải để ăn mà để làm mồi câu các loại cá biển khác lớn hơn .
 Cá chuồn to độ nửa cườm tay, dài khoảng trên dưới 30cm . Điểm đặc biệt của nó là có hai cái vây bên hông phát triển thành đôi cánh mỏng dùng để bơi khi ở dưới nước và để bay khi phóng mình lên khỏi mặt nước . Chính những con cá chuồn này mà lúc ban ngày, tôi đã thấy nó từ dưới biển phóng mình lên bay là đà trên mặt nước khoảng vài chục mét rồi lại chui xuống biển mất hút. Lúc ấy, tôi cứ nghĩ đó là một loài chim bói cá của biển. Đêm nay, tôi có dịp được chứng kiến tận mắt những con chim bí ẩn ấy chính là những chú cá chuồn .
Khi đã có đủ số cá chuồn để làm mồi, người câu lại thả những chú cá chuồn có gắn lưỡi câu xuống biển . Không phải chờ đợi lâu, đã có tín hiệu từ dưới biển, những sợi dây câu được phăng vội, từng con cá ngừ được kéo lên hoà theo những tiếng hò reo vang dội. Một con … hai con … ba con …chỉ trong vòng gần hai giờ đồng hồ mà đã có gần một chục con cá ngừ được câu lên, mỗi con nặng khoảng 5-6 ký. Cả đêm câu được hàng trăm ký cá là chuyện trong tầm tay . Tiềm năng kinh tế của vùng biển nước ta thật dồi dào và phong phú mà ta chưa có điều kiện để khai thác hết; đó là tiềm năng về hải sản, khoáng sản, dịch vụ nghề cá, du lịch … Tôi lại liên tưởng đến tiềm năng của biển đảo Trường Sa khi được khai thác đầy đủ trong tương lai …
01 giờ sáng ngày 15-4-2009,ngày thứ tư của chuyến hải trình trên biển, con tàu lại nhổ neo đi trong đêm khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ . Đến khi mọi người thức dậy thì cũng là lúc đảo Nam Yết đã hiện ra trước mắt .Sau bữa ăn sáng, những chiếc ca-nô từ trên tàu lại được cẩu xuống biển để đưa mọi người lên đảo .
Khác với đảo Đá Lớn, đảo Nam Yết được che phủ bởi những tán cây xanh râm mát . Chỉ có những loại cây đặc biệt mới sống và phát triển được ở những nơi có khí hậu và thời tiết khắc nghiệt như ở đây . Đó là cây phong ba, cây bão táp, cây bàng vuông . . .gọi là cây bàng vuông vì nó cũng là cây bàng nhưng có trái hình vuông. Có lẽ đó là những cây chỉ có ở Trường Sa .
Những con đường trên đảo được tráng xi măng rất sạch đẹp, khang trang nằm khuất dưới những tàn cây râm mát . Bất chợt, tôi lại nhớ đến cù lao Thạnh Hội, cù lao Bạch Đằng ở quê nhà .
Khi mọi người đặt chân lên đảo khoảng 20 phút, bỗng có tiếng kẻng báo động vang lên, những người lính đảo nhanh chóng chạy vào vị trí chiến đấu . Ban đầu, tôi nghĩ đây chỉ là một buổi diễn tập thông thường, nhưng ngay sau đó chúng tôi nghe thấy tiếng động cơ máy bay, tiếp đến là một chiếc máy bay tầm thấp bay ngang qua đảo không rõ của nước nào . Ở đây, tinh thần cảnh giác của những người chiến sĩ được đặt lên hàng đầu; từng ngày, từng giờ phải luôn trong tư thế sẵn sàng đối phó với những âm mưu xâm phạm chủ quyền biển đảo của các thế lực bên ngoài .Vị trí của đảo Nam Yết đối với quần đảo Trường Sa mang tính chiến lược, vì nó nằm cạnh những hòn đảo của nước ta bị nước ngoài chiếm đóng trái phép. Tôi càng thấm thía với khẩu hiệu của những người lính đảo Trường Sa : thao trường là chiến trường .
Buổi chiều cùng ngày, đoàn đến đảo Sinh Tồn, cách đảo Nam Yết khoảng 9 hải lý. Nếu chỉ tính phần nổi thì diện tích của đảo Sinh Tồn chỉ khoảng 4 héc-ta, nhưng tiềm năng tương lai nơi đây có thể mở rộng diện tích lên gấp 4-5 lần. Đảo Sinh Tồn là một trong những đảo thực hiện chủ trương dân sự hoá, hành chính hoá các xã đảo thuộc huyện đảo Trường Sa . Ở đây có trụ sở Uỷ ban nhân dân xã, có trường học và khu dân cư . Dân cư ở đây được chính quyền xây dựng cho những ngôi nhà thật khang trang với đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt và giải trí . Mỗi hộ dân đều được cấp phương tiện và ngư cụ để đánh bắt hải sản, cũng như được cấp con giống, cây giống để chăn nuôi và gieo trồng nhằm cải thiện bữa ăn gia đình .
Dưới tán lá xanh tươi của những cây bàng vuông, tôi còn nhìn thấy màu xanh của những giàn bầu, giàn mướp, những luống rau xanh ; những tiếng gà gáy, tiếng chó sủa râm ran trên đảo . . . là những nét rất quen thuộc của làng xã, thôn xóm, mặc dù xã đảo nằm cách đất liền hàng trăm hải lý về phía cực Đông của Tổ quốc .
Tàu neo lại nghỉ đêm trên biển, gần đảo Sinh Tồn . Đến 5 giờ 30 sáng ngày 16-4-2009 thì nhổ neo lên đường đến đảo Len-Đao . Đảo Len-Đao cũng nằm trong cụm đảo Sinh Tồn và cách đảo Sinh Tồn khoảng 9 hải lý. Từ Len-Đao có thể nhìn thấy đảo Sinh Tồn bằng mắt thường . Tôi đã gặp Chỉ huy trưởng của đảo : Thượng uý Tô Ngọc Tuấn . Anh ra công tác ở đảo tính đến nay đã được ba năm . Vợ anh, chị Phạm Thị Kiều Hoa, hiện đang giảng dạy tại một trường THCS thuộc Thị trấn Hồ Xá, Vĩnh Linh, Quãng Trị . Từ ngày anh về phép lần trước đến nay, chị Kiều Hoa đã có mang và sinh được một cháu gái vừa tròn 2 tháng tuổi, nhưng anh vẫn chưa có dịp về thăm, chỉ thăm hỏi nhau qua điện thoại .
Thế mới biết, ngoài sự chịu đựng với nắng hanh, gió muối, với bão táp, phong ba, những người lính đảo còn có những sự hy sinh thầm lặng không gì có thể đong đếm được, đó là hy sinh hạnh phúc của mình để mang đến sự bình yên, niềm vui và hạnh phúc cho mọi người . Tôi lại liên tưởng đến những lời ca trong một ca khúc của nhạc sĩ Trần Long Ẩn :

Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng
  Gian khổ sẽ dành phần ai
            Ai cũng một thời trẻ trai,
  Cũng thường nghĩ về đời mình
             Phải đâu may nhờ rủi chịu
       Phải đâu trong đục cũng đành . . .

          Tại vùng biển này, đoàn công tác đã làm Lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa . Đích thân Chuẩn đô đốc Trần Đình Xuyên, Phó Tư lệnh quân chủng Hải quân đã đọc bài phát biểu để tưởng nhớ đến 64 cán bộ, chiến sĩ của ta đã hy sinh anh dũng tại vùng biển này vào ngày 14/3/1988 . Buổi lễ tưởng niệm đã diễn ra ngắn gọn, nhưng trang nghiêm và xúc động, khói hương bay nhạt nhoè những đôi mắt đỏ hoe khi nghĩ về những người lính đảo đã hy sinh anh dũng mà đến nay có người hài cốt vẫn còn nằm im giữa lòng biển đảo xa xôi, chưa có điều kiện mang về ấp ủ trong lòng đất mẹ .
          Sau lễ tưởng niệm, con tàu lại tiếp tục nhổ neo lên đường . Tàu sẽ chạy từ bây giờ đến suốt đêm nay mới đến được đảo Trường Sa Lớn, thị trấn trung tâm của huyện đảo Trường Sa .
          Đúng 6 giờ sáng ngày 17-4-2009, tàu mới đến được đảo Trường Sa Lớn . Đây là nơi duy nhất trong các đảo mà tàu có thể neo đậu ngay tại cầu cảng để mọi người lên đảo, không cần phải dùng ca-nô. Ấn tượng đầu tiên khi bước chân lên đảo là bức tường bờ kè được xây dựng bao bọc quanh đảo một cách vững chắc và khang trang . Dọc theo bờ kè là hàng trụ điện chạy bằng quạt gió cao sừng sững đang quay vùn vụt . Đã có 10 quạt gió như vậy được lắp đặt tại đây, mỗi trụ cung cấp nguồn điện 3,5kw . Ngoài ra, còn có 95 trụ đèn thắp sáng bằng năng lượng mặt trời cũng đã được lắp đặt và bố trí tại khắp các con đường trên đảo . Tại nhà các hộ dân, tiếng nhạc phát ra từ các dàn âm thanh hifi, từ ti-vi, đầu đĩa . . . làm cho không khí sinh hoạt của cư dân trên đảo trở nên nhộn nhịp hẳn lên . Đảo Trường Sa ngày càng phát triển và đổi mới để tương lai sẽ trở thành một thành phố nổi rực sáng giữa biển Đông .
          Rời đảo Trường Sa Lớn, đoàn tiếp tục lên đường đến đảo Đá Lát . Từ Trường Sa Lớn đến Đá Lát khoảng 16 hải lý, nên chỉ sau hai giờ đồng hồ tàu đã đến nơi . Sóng gió đã bắt đầu mạnh lên sau những ngày im ắng . Những chiếc ca-nô cặp vào mạn thuyền để đưa người vào đảo giờ đây đã trở thành những “chú bò tót” bất kham; khi thì nó nhảy dựng lên khỏi mạn tàu, khi thì nó hụp sâu xuống dưới lòng tàu theo sự dập dềnh của sóng biển . Để bảo đảm an toàn, ban tổ chức đã giới hạn số người lên đảo, chỉ có đại diện lãnh đạo các đoàn và cánh phóng viên, nhà báo mới được ưu tiên lên đảo . Đảo Đá Lát vốn là một đảo chìm, giống như đảo Đá Lớn và đảo Len-Đao . Ngay sát cạnh nơi đóng quân của cán bộ chiến sĩ trên đảo là tổ trực gác hải đăng, gồm có 5 đồng chí . Hai bên muốn qua lại nhau phải dùng thuyền . Tuy là bộ phận dân sự, nhưng họ cũng gian khổ như những người lính đảo, những người làm nhiệm vụ thức đêm soi đường trên biển, mang đến sự an toàn cho những chuyến hải trình .
          Ban tổ chức đã rất khéo léo trong việc sắp xếp thời gian di chuyển để đoàn đến thăm và làm việc tại các đảo một cách hợp lý và khoa học nhất . Có khi tàu phải chạy trong suốt cả đêm, có khi tàu phải nhổ neo lúc 01 giờ sáng . . . sao cho đến sáng ngày hôm sau là tàu có thể đến địa điểm mới để mọi người kịp lên đảo ngay sau khi ăn sáng . Như hôm nay, sau khi tàu neo lại nghỉ đêm tại đảo Đá Lát, thuỷ thủ đoàn lại tiếp tục nhổ neo lúc 0 giờ để đến 6 giờ sáng ngày 18-4-2009, tàu sẽ đến đảo Trường Sa Đông .
          Đảo Trường Sa Đông trước kia là một đảo chìm . Mỗi lần thuỷ triều lên cao thì cả đảo bị nhấn chìm trong nước . Sau khi cơi nới lên 1,4m , đến nay diện tích phần nổi của đảo đã lên đến hơn 1 héc-ta . Trên đảo đã trồng được cây xanh che bóng mát và rau xanh để ăn . Ấn tượng đầu tiên khi bước chân lên đảo Trường Sa Đông là tôi nhìn thấy những ngôi mộ của ba chiến sĩ công tác và hy sinh ngay tại đảo này. Các anh ra đi khi tuổi đời hãy còn rất trẻ, đó là : Quách Hoàng Lâm (1984-2006) quê quán Tp.HCM, Vương Viết Mão (1975-2004) quê quán Nghệ An, Nguyễn văn Thi (1975-2001) quê quán Thanh Hoá . Không ai bảo ai, mỗi người đều thắp một nén hương thơm, tưởng nhớ đến những liệt sĩ đã hy sinh và cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân của mình vì sự bình yên của Tổ quốc .
          Tôi đi men theo bờ cát ven biển, bên cạnh những cây phong ba, cây bão táp, cây bàng vuông …được trồng rải rác trên đảo, dưới chân tôi là những thảm muống biển trải dài vỗ về ôm lấy bờ cát nở hoa tím biếc . Những người lính đảo gọi hoa muống biển là “hoa thuỷ chung”, bởi đó là loài hoa màu tím có sức sống mãnh liệt . Nắng cũng như mưa, ngày cũng như đêm, mùa biển lặng cũng như mùa bão tố, hoa muống biển vẫn kiêu hãnh vươn mình trườn trên sỏi đá, đội cát đâm chồi . Nó là người bạn đồng hành chung thuỷ và chứng kiến những nhọc nhằn, vất vả, buồn vui, nhung nhớ của những người lính đảo xa quê . Muống biển ở Trường Sa ngoài việc tô điểm cho đảo thêm xanh, thêm đẹp, nó còn là loài cây thể hiện khát vọng sống mãnh liệt trước sự khắc nghiệt của nắng mưa, gió bão . Cũng như những người lính Trường Sa sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hiểm nguy , luôn lạc quan yêu đời và vững vàng tay súng .
11 giờ 30 trưa, đoàn tạm biệt đảo Trường Sa Đông để đến đảo Đá Tây, cách đó khoảng 9 hải lý. Giống như Đá Lớn, cụm Đá Tây cũng gồm 3 đảo : Đá Tây A, Đá Tây B và Đá Tây C . Nơi đoàn đến lúc này là đảo Đá Tây A . Nhìn từ xa, tôi thấy có hai toà nhà sừng sững nối liền với nhau bằng một cây cầu bê tông trông rất lãng mạn, giống như có một lâu đài cổ nguy nga mọc ngay trên biển trong những câu chuyện thần tiên . Bên cạnh đảo có một Trạm Dịch vụ nghề cá được Bộ Thuỷ sản xây dựng . Nếu được đưa vào hoạt động thì đây sẽ là nơi thu mua hải sản của ngư dân khi đánh bắt xa bờ mà không phải về đất liền; ngược lại, Trạm sẽ cung cấp xăng dầu, lương thực, trang thiết bị nghề cá . . .cho ngư dân tiếp tục ra khơi . Tôi nghĩ đến hình ảnh những con tàu đầy ắp cá trong khoang từ biển trở về và rộn rịp những con tàu từ Đá Tây tiếp tục ra khơi . . .
5 giờ chiều ngày 19-4-2009, sau khi dùng cơm xong, tàu lại nhổ neo chạy suốt đêm để đi vào vùng biển Vũng Tàu . Lúc trời vừa rạng sáng, tàu đi ngang qua bãi Phúc Tần và bãi Huyền Trân, cách Thành phố Vũng Tàu 250 hải lý về phía đông bắc . Con tàu vẫn lặng lẽ di chuyển trong đêm . . .
Đến với nhà giàn DK1
8 giờ sáng ngày 20-4-2009, tàu đến nơi đóng quân của cán bộ, chiến sĩ của các nhà giàn DK1. Khu vực này có tất cả 19 nhà giàn, nhưng  bị gió bão đánh sập mất 4 cái, hiện nay chỉ còn lại 15 nhà giàn . Đó là nơi đóng quân của những người gác biển, nó được xây dựng trên một giàn sắt khá kiên cố được chống đỡ bằng 4 chân trụ bê tông cốt sắt . So với trên đảo thì các cán bộ, chiến sĩ ở nhà giàn có nhiều khó khăn hơn,  vì mọi sinh hoạt đều giới hạn trong phạm vi hạn hẹp của nhà giàn . Vì sóng to, gió lớn nên ban tổ chức chỉ bố trí cho 2 đoàn đến thăm và làm việc tại 2 nhà giàn DK1/8 và DK1/19 , mỗi đoàn chỉ độ 15 người . Nhưng chỉ có đoàn đi DK1/8 thì lên giàn một cách  khá suôn sẻ, còn đoàn đi DK1/19 thì không tài nào lên giàn được, mặc dù ca-nô đến tận chân giàn . Cần nói rõ thêm, khi đi lên đảo, nếu gặp sóng to, gió lớn thì mọi người cũng có thể lên đảo được vì có sự tiếp sức của 2 người đứng dưới thuyền và 2 người đứng trên cầu xốc nách đỡ lên; còn khi leo lên giàn thì mỗi người phải tự lực cánh sinh, vì giàn leo chỉ là một cái thang sắt dựng đứng, vừa đủ cho một người leo lên, nếu không khéo sẽ bị hụt tay rơi xuống biển hoặc bị ca-nô va đập gãy chân do sóng biển cứ dập dềnh .Người trên giàn và người dưới thuyền chỉ biết nhìn nhau một cách bất lực, cách nhau chỉ vài bước chân nhưng không thể nào đến với nhau được . Cuối cùng đoàn phải chấp nhận quay về tàu .
Không cam chịu thất bại, nhằm ghi lại một kỷ niệm đẹp với các chiến sĩ nhà giàn, các diễn viên của Đoàn Văn công tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã giao lưu qua sóng truyền tin với những ca khúc hát về người lính biển, các anh cũng đáp lại bằng bài hát Người chiến sĩ nhà giàn . Cuộc giao lưu tuy ngắn ngủi nhưng chứa đầy những tình cảm ấm áp giữa những người ở hậu phương với những người chiến sĩ đóng quân nơi đầu sóng ngọn gió của tuyến đầu Tổ quốc .
Tại vùng biển này, Lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc đã được tổ chức ngay tại boong tàu . Qua bài tưởng niệm, mọi người đã xúc động nghẹn ngào khi nhắc đến những người lính đã hy sinh :
. . . “Đó là hành động cao đẹp của liệt sĩ trung uý Trần Hữu Quảng, chính trị viên nhà giàn DK1/3 Phúc Tần, khi nhà bị đổ đã cùng đồng đội bơi nhiều ngày trên biển, trong lúc sóng to gió lớn anh đã nhường phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng cho người chiến sĩ yếu nhất và đã hy sinh ngày 05/12/1990. Là liệt sĩ đại uý Vũ Quang Chương, chỉ huy trưởng nhà giàn 2A DK1/6 Phúc Nguyên, trước sự hung dữ và tàn khốc của cơn bão số 8 ngày 14/12/1999, anh đã chỉ huy bộ đội rời giàn xuống tàu để về đất liền an toàn, còn mình và đảng viên Nguyễn Văn An ở lại thu tài liệu và ôm lá cờ Tổ quốc vào lòng để rời nhà giàn cuối cùng. Nhưng ác thay, bão, gió đã cướp đi tính mạng của các anh . Là liệt sĩ chuẩn uý Lê Đức Hồng đã cố gắng đến cùng để giữ liên lạc với đất liền, khi cơn bão ập tới làm nhà giàn bị sụp đổ, anh chỉ kịp gửi lời chào:“Vĩnh biệt đất liền”để rồi thanh thản ra đi . . . Còn biết bao hình ảnh hy sinh anh dũng của các đồng chí mà hôm nay chúng ta chưa nói hết được .”
Sự hy sinh vô bờ bến của những người chiến sĩ đang ngày đêm giữ vững chủ quyền trên biển đảo của Tổ quốc đã trở thành khúc bi tráng thời đại, luôn nhắc nhở chúng ta về lý tưởng cao đẹp trong cuộc sống hôm nay .
Sau Lễ tưởng niệm, tàu tiếp tục nhổ neo đi về phía Vũng Tàu. Đến 13 giờ 30, tàu đi ngang qua mỏ dầu Bạch Hổ - Đại Hùng, ngọn lửa từ ống phun khí đồng hành rực cháy trên các dàn khoan . Tôi nghĩ đến tiềm năng to lớn của thềm lục địa nước ta, nghĩ đến mẻ dầu đầu tiên mang thương hiệu Made in ViêtNam từ nhà máy lọc dầu Dung Quất và nghĩ đến những người lính ngày đêm đang canh giữ biển trời Tổ quốc .
15 giờ chiều ngày 21-4-2009, tàu cập cảng Cát Lái, kết thúc chuyến công tác của đoàn cán bộ lãnh đạo các tỉnh đi thăm và làm việc trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa .
 Một chuyến hải trình đầy ý nghĩa với nhiều kỷ niệm đẹp khó quên . . . 

Không có nhận xét nào: