Đình Phú Cường - Thị xã Thủ Dầu Một - Bình Dương

Nguyễn Hiếu Học

   

* Tên đình, địa điểm: Đình Phú Cường ở gần con rạch có tên Bà Lụa nên dân gian còn gọi là đình Bà Lụa, tọa lạc ở phường Phú Thọ, nằm ở vị trí sau lưng nhà máy Đường Bình Dương cũ. Đây là ngôi đình làng Bình Dương nổi tiếng của tỉnh Thủ Dầu Một xưa và cũng được xem là ngôi đình có “kiến trúc đẹp nhất nhì Nam Kỳ”. Theo khẩu truyền, địa điểm ban đầu của đình ở trên ngọn đồi, nay là khu vực UBND và Tỉnh ủy Bình Dương. Nhưng từ năm 1861, ngôi đình này đã không còn ở vị trí này, vì theo đoạn văn miêu tả dưới đây trích từ cuốn hồi ký của viên sĩ quan Pháp L.C Grammont, người đánh chiếm và quân quản Thủ Dầu Một trong những năm 1861, 1862: “sau khi băng qua chợ, bạn ra khỏi làng đi về phía Nam dọc theo một con đường nhỏ thì sẽ thấy con rạch cách chợ 3 km, tại đây người ta thấy đình Bà Lụa nổi tiếng được xây cất dưới vòm của ba cây cổ thụ to lớn mà tôi chưa bao giờ thấy”(1)
          Phong cảnh đẹp cũng như kiến trúc bề thế, trang nghiêm của ngôi đình này cũng được tác giả Nguyễn Liên Phong giới thiệu trong “Nam Kỳ phong tục, nhân vật diễn ca” (Sài Gòn Phat Toan Libraie Imprimeur 1909)
          “ Đình thần phong cảnh tốt thay
          Trong rạch Bà Lụa ngoài này đại giang
          Nền cao thấp bước tợ thang
         Trong gian chánh điện nghiêm trang phụng thờ”

(1) Dẫn lại từ sách Địa phương chí Bình Dương 1975 (trang 15)
   

                                 Đình Phú Cường (Bà Lụa)



 
          Chưa biết đích xác đình được xây dựng vào năm nào nhưng chắc chắn trước năm 1861 là năm quân Pháp chiếm Thủ Dầu Một và viên sĩ quan nói trên đã viết về ngôi đình này. Có nhiều tác giả cho là đình Phú Cường được xây khoảng thập niên 40 của thế kỷ XIX, vì địa danh làng Phú Cường chỉ được nhắc đến sau 1840. Trong sách “La Cochinchine et ses habitans” của tác giả người Pháp tên C.Baurac (xuất bản 1899) cũng đã nói đến ngôi đình này: “Cách Thủ Dầu Một khoảng 3 km có ngôi đình Bà Lụa được xây năm 1890, diện tích khu đình là 500m2 . Chắc là ông Baurac đã nhầm, vì năm 1890, chỉ có thể là năm đại trùng tu lần thứ hai của ngôi đình, trước đó đã có một lần trùng tu vào năm 1883 (Địa phương chí Bình Dương 1975, trang 15). Cũng trong sách trên, Ông C. Baurac có nói về quy mô xây dựng và cách thiết trí thờ phụng trong đình: “Bàn thờ thần được đặt ở giữa, hai bên phải và trái có hai bàn thờ nhỏ hơn thờ các vị thần hộ vệ thần chính ở giữa” ông cũng mô tả khá chi tiết về hai kỳ tế lễ hàng năm của đình. Đó là lễ Kỳ Yên vào ngày rằm tháng giêng và lễ Thu tế vào ngày 1 tháng 10 âm lịch.
Ngôi đình được ông Baurac mô tả sau khi được đại trùng tu vào năm 1890 chính là ngôi đình về sau này, vào năm 1930, ông Goergette Naudin chuyên viên nghiên cứu của bảo tàng Nam Kỳ (Muse De La Cochinchinee) đã đến tìm hiểu và giới thiệu trong bộ sách Cochinchine (trang 153) như sau: “ lúc đó đình Bà Lụa được xem là ngôi đình có kiến trúc đẹp nhất nhì Nam Kỳ với những cột gỗ đẹp và quí, những mãnh hoa văn ghép bằng sơn mài màu hồng, những binh khí cổ đẹp và hiếm… hấp dẫn đông đảo du khách đến thăm”
Rất tiếc ngôi đình có kiến trúc đẹp và cổ kính nhất nhì Nam Kỳ nói trên có lẽ được xây dựng vào triều Minh Mạng “ thập niên 40 của thế kỷ XIX khi thôn Phú Cường được xác lập địa giới hành chánh (địa bạ Nam Kỳ Lục Tỉnh lập 1836 -1838, chưa có tên thôn Phú Cường), đến nay không còn nữa. Đến năm 1956, nhân dân làng Phú Cường xây dựng lại ngôi đình nói trên lần thứ ba (khánh thành ngày 15/1/1957. Đinh Dậu) ở trên nền cũ nhưng qui mô có phần thu hẹp hơn và hiện còn giữ được một số hoành phi, liễn, đối cũ, mới được dân chúng hiến cúng khi đình được tái lập.
Cũng theo tác giả sách “Phú Cường lịch sử văn hóa truyền thống” xuất bản năm 1990 (sau này được đăng lại trong sách  “Thủ Dầu Một Bình Dương đất lành chim đậu”, XB 1999, dưới tiêu đề đình Bà Lụa – Nét đẹp của nền văn hóa cổ) đã viết  “sau khi Pháp chiếm được Thủ Dầu Một, nhiều công trình kiến trúc cổ bị giặc triệt hạ, trong đó có chùa Hội Khánh và đình Bà Lụa. Tài liệu của Pháp (?) còn cho biết chỉ trong một thời gian ngắn sau khi chiếm thị xã Thủ Dầu Một, người Pháp đã chuyển về sài gòn 4 nhà lớn và rất nhiều gỗ,… đình Bà Lụa nằm trong số ấy chăng ?” (1)
Riêng người viết bài này, khi tìm hiểu về ngôi đình trên, trước đây mấy năm (2005) đã được nhà điêu khắc lão thành Nguyễn Văn Yến (cựu Giảng viên trường Mỹ thuật Thủ Dầu Một) cho xem bức thư của một viên sĩ quan Pháp say mê sưu tập đồ điêu khắc gỗ, là bạn thân của viên tỉnh trưởng người Pháp tại Thủ Dầu Một, trao đổi với ông về giá trị đồ điêu khắc gỗ của đình Bà Lụa thị xã Thủ Dầu Một. Chính tên sĩ quan này đã tìm cách xin viên Chủ tỉnh cho đổi và lấy đi bốn cánh cửa đình Bà Lụa thay bằng


 
(1) Huỳnh Ngọc Đáng, Phú Cường Lịch sử - Văn hóa truyền  thống … Xb 1999 (Sđd trang  231, 233)
bốn cánh cửa khác, rồi đưa về Pháp nhân dịp ông ta được trở về nước trước năm 1945. Chúng tôi không biết thêm tin tức gì về bộ cửa đó, cũng không biết chuyện này có liên quan gì với một số thông tin cho rằng người Pháp vẫn còn cất giữ đâu đó trên đất nước họ một số đồ điêu khắc gỗ rất quí của một ngôi đình cổ ở Thủ Dầu Một. Phải chăng, đó chính là đình Bà Lụa vốn nổi tiếng về kiến trúc gỗ ?.
Trở lại ngôi đình mới tái lập 1957, hiện nay vì mới được xây dựng lại nên đình Phú Cường không còn giữ được vẽ đẹp cổ kính như xưa cũng như không còn giữ được sắc thần ( có lẽ được sắc phong từ đời Tự Đức) và cũng chẳng ai biết đích xác là trước đây đình đã thờ vị nhân thần nào  ? Sách Địa Phương Chí Bình Dương 1975, (trang 16) cho rằng đình này thờ Nguyễn Văn Thành (1757 -1817) và Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858) còn các vị bô lão trong làng cho đó là Nguyễn Tri Phương (1800 -1873). Nhưng đến nay cũng không có sử liệu, hoặc chứng cứ nào xác nhận vị nhân thần được thờ ở đình Phú Cường là ai.
Gần đây cuối năm 2008, đại diện của đình Phú Cường có đến Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tại Huế xin phục chế sắc thần của đình làng Phú Cường trước đây nay đã bị thất lạc và công việc phục chế này đã hoàn tất vào ngày 10/12/2008.
Qua văn bản bản sắc thần vừa được phục chế nói trên chúng tôi được cho biết đây là sắc phong thần Thành Hoàng Bổn Cảnh của làng Phú Cường “ dựa trên các tài liệu lịch sử” (? ) và các bản sắc phong thần cùng thời được ban cấp cho các làng xã thuộc Lục Tỉnh Nam Kỳ” như trung tâm đã viết (do Phó Giám đốc Phan Thanh Hải ký tên). Chúng tôi không biết bản phục chế này thật sự có dựa vào bản gốc (nếu có) hay hồ sơ gốc khi phong sắc thần này trước đây ở thời Tự Đức hay không ?. Được biết, trong các sắc thần cũ tại các đình vẫn còn bảo quản tốt như các đình Tân An, Phú Long, Phú Hòa đều có mỹ tự vị thần được gia tặng ghi chức danh vị thần được gia tăng là “Bảo An Chánh Trực Hữu Thiện Đông Ngưng” còn các sắc thần mới được phục chế của một số đình kể cả đình Phú Cường lại ghi là “Quảng Hậu Chánh Trực Hựu Thiện Đôn Trang chi thần”. Vậy tước hiệu hai vị thần này có khác nhau không và tại sao lại có sự khác biệt này ?
          Dưới đây là bản sắc phong mới được phục chế của đình Phú Cường do Trung tâm Bảo tồn Cố đô Huế thực hiện này 10 tháng 12 năm 2008:
Nguyên văn:
直佑

                         
Sắc Bản Thành Hoàng Chi Thần, nguyên tặng Quảng Hậu Chánh Trực Hữu Thiện chi thần, hộ quốc tý dân nẫm trứ linh ứng tứ kim phi thừa
Cảnh mệnh miễn niệm thần hưu khả gia tặng Quảng Hậu Chánh Trực Hữu Thiện Đôn Trang Chi Thần. Chuẩn Biên Hòa tỉnh, Bình An huyện, An Điền tổng, Phú Cường thôn y cựu phụng sự thần. Kỳ tương hữu bảo ngã lê dân. Khâm tai!

Tự Đức ngũ niên thập nhất nguyệt nhị thâp tứ nhật.
Dich nghĩa:
Sắc Thần Bổn Cảnh Thành Hoàng, nguyên đã được tặng (tước hiệu là ) Quảng Hậu Chánh Trực Hữu Thiện, Thần đã giúp nước. che chở nhân dân nhiều năm linh ứng, Trẫm từ khi lên ngôi đến nay vẫn luôn nhớ đến công ơn của Thần. Nay gia tăng thêm cho Thần (tước hiệu là) Quảng Hậu Chánh Trực Hữu Thiện Đôn Trang. Chuẩn cho nhân dân thôn Phú Cường, tổng Bình Điền, huyện Bình An, tỉnh Biên Hòa noi theo lệ cũ để phụng thờ để Thần bảo hộ cho con dân của ta. Hãy kính theo lệnh này!

Ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức thứ V (1853)
* Kiến trúc và thiết trí; Ngôi đình hiện nay được đại trùng tu, tái lập ngày 15/1/1957 (Đinh Sửu), tọa lạc trên khoảng đất cao có nhiều cây xanh rộng đến 7656m2, với khung cảnh thoáng mát và yên tĩnh.
          Ngôi Chánh điện của đình dựng trên một nền cao theo kiến trúc truyền thống gồm ba gian nhà liền mái theo kiểu chữ tam ( ), kèo cột xuyên trính đều đúc xi măng, mái lợp ngói móc còn gọi là ngói vãy. Gian trong cùng của Chánh điện gọi là Chánh tẩm hay hậu cung nơi được xây cao hơn hai gian kia. Đình Phú Cường có nét đặc biệt là Tiền điện và Chánh điện nối liền nhau bởi ngôi “nhà nối”  nhỏ gọi là “nhà Chầu”, nơi đặt chiếc trống chầu khi có lễ Kỳ yên. Ở giữa Chánh tẩm thờ vị Chánh thần tức thần Thành Hoàng. Tấm hoành treo trước bàn thờ thần ghi bốn chữ “Ân Quang Phổ Chiếu (   ) do người Hoa ở hai bang Triều Châu và Phúc Kiến cúng vào dịp khánh thành (có ghi ở lạc khoản). Vị thần ở đây không có tượng chỉ có một chữ thần ( ) khá lớn trên bức thờ, có long vị được chạm trổ, trên long vị đề: “cung thỉnh Phú Cường Thành Hoàng linh thần sắc gia tăng Bảo an chánh trực chi vị”(       . Xin cung kính sắc thần Thành Hoàng Phú Cường gia tăng Bảo An Chánh Trực)
          Các tự khí còn có: áo mão, ngựa. Hai bên án thờ còn có hai giá lỗ bộ, mỗi giá cắm 5 món binh khí cổ; kích chùy, xà mâu, búa, rìu. Kế cận là hai đôi hạc đứng trên lưng Rùa cùng với một đôi lọng màu vàng. Hai bên án thờ Thành hoàng là khám thờ tả Ban, hữu Ban ( tức là những vị phò tá chánh thần cũng có đủ áo, mão, hia, ngựa,…)        Những hoành phi câu đối đã tạo thêm sự nghiêm trang nơi bàn thờ thần. Trong đó, đáng chú ý hơn cả là tấm thủ quyển thếp vàng, trên đề: “ Trư trường lưu tự điển” (瀦長留治田) = nghi thờ lưu lại dài lâu. Một tấm hoành ghi ngày tháng khánh thành đình như đã nói trên. Những cặp đối đáng chú ý là cặp đối ca tụng công đức của vị thần đang thờ:
Cặp đối thứ 1:
Chữ Hán:
                     
      耀              敦 凝
Phiên âm:
Thánh đức quang huy vạn tải anh linh bảo an chánh trực
Thần ân chiếu diệu thiên thu hiển hách hữu thiện đôn ngưng
Lưu ý ở hai vế đối này vẫn dùng cụm từ “Bảo An Chánh Trực Hữu Thiện Đôn Ngưng” chứ không nhắc đến “ Quảng Hậu Chánh Trực, Hữu Thiện Đôn Trang” như trong sắc thần vừa phục chế.
Tạm dịch:
 Đức của thánh rạng ngời muôn năm hiển linh, giữ yên sự ngay chính
 Ơn của thần soi thấu ngàn thu hiển hách, làm dày thêm thiện đức
Cặp đối thứ 2:
Chữ hán:
Phiên âm:
Phú đức thần linh ân triêm lợi lạc vạn cổ phát sinh tuấn kiệt
Cường từ thánh huệ vũ triêm an khang thiên thu đĩnh xuất anh tài
Tạm dịch:
Ơn đứ c thần linh phong phú thêm lợi lạc, ngàn năm sinh người tài giỏi
Ân huệ thánh thần lớn lao thêm  an khang, muôn năm hiện kẻ anh tài
Gian giữa là gian Tiền tế, từ nơi đây các lễ sinh dâng lễ vật lên cúng thần, ở đây còn là nơi đọc chúc, đọc văn tế trong dịp lễ tế thần,… Gian tiền tế có một món tự  khí cổ quí, đó là cặp đài (hộp đựng trầu cau) bằng gỗ chạm hình tứ linh do ông Phó Tổng Bình Điền cúng vào năm Giáp Thìn (1904). Đây có lẽ là một tự khí cổ nhất còn lại trong đình chăng ?
Gian ngoài còn gọi là Hội đồng ngoại có gian thờ Tiền hiền, Hậu hiền là những vị có công lớn với địa phương với đình, ngoài ra còn có 4 hương án khác có giá chuông, trống mõ,…
Hai bên chánh điện có Đông Lang, Tây Lang dành cho bá tánh nam nữ đến tham dự lễ hội cúng đình. Trước sân đình là bình phong long hổ, bàn thờ Thần Nông, hai bên thờ Tả và Hữu hộ vệ. Tuy quang cảnh đình Phú Cường hiện nay không còn nét u tịch như xưa, nhưng nhờ vào vị trí đặc biệt ở giữa cảnh thiên nhiên hữu tình nhiều khánh nhàn du vẫn thường đến đây tìm phút thư giản tâm hồn qua cảnh đẹp mà cặp đối ghi nơi cổ lầu của bình phong long hổ đã mô tả:
Chữ Hán:
白 雲 依 靜 渚
明 月 照 高 樓
Phiên âm:
Bạch vân y tĩnh chữ
Minh nguyệt chiếu cao lâu
Dịch nghĩa:
Mây  trắng in bến vắng
Trăng tỏ giải lầu cao
Có một đền Tưởng niệm trên đất Pháp là phiên bản của một ngôi đình Thủ Dầu MộT
          Lâu nay vẫn thường nghe nói đến mô hình hoặc một phiên bản của một ngôi chùa hay đình nổi tiếng của Thủ Dầu Một (được tháo rời chở đến rồi lắp ráp hoặc được xây dựng tại chỗ với vật liệu và thợ chuyên môn của Thủ Dầu Một) được mang đi “ đấu xảo “tại Pháp. Hầu hết các tác giả nhắc đến thông tin này đều dựa theo tài liệu của Địa phương chí Bình Dương (1975) và đều cho đó là mô hình của chùa Hội Khánh thị xã Thủ Dầu Một. Chẳng hạn trong bài viết về chùa Hội Khánh và Hòa thượng Từ Văn đăng trong một cuốn sách xuất bản năm 1999, tác giả đã viết: “năm 1920, Từ Văn hòa thượng của chùa Hội Khánh đã đem tượng Phật và thợ thủ công sang Pháp để xây dựng một ngôi chùa theo lời mời của toàn quyền Pháp”. Nội dung đoạn viết này chắc đã lấy thông tin từ Địa phương chí Bình Dương xuất bản 1975 đã nói trên khi viết về chùa Hội Khánh: “…lúc Pháp tổ chức lễ truy điệu cho các chiến sĩ trận vong (lính người Việt chết trận vì nước Pháp) nghe tiếng hòa thượng Từ Văn, họ mời qua Pháp làm chủ lễ trong lễ truy điệu ấy. Đồng thời họ thỉnh tượng Phật từ chùa Hội Khánh cùng thuê luôn thợ chuyên môn của chùa đến Pháp để xây dựng một ngôi chùa mới” (SĐD trang 12).
          Rất tiếc các thông tin trên đều không cho biết nguồn tư liệu gốc, mặc dù có thể có một mô hình hay phiên bản một ngôi đình chùa của Thủ Dầu Một đã được đưa qua Pháp dự đấu xảo triễn lãm trong thời Việt Nam bị Pháp đô hộ. Bởi lẽ lúc bấy giờ Thủ Dầu Một được mệnh danh là “vương quốc gỗ” lại có nhiều thợ mộc giỏi, ở đây lại có trường mỹ thuật (có dạy môn mỹ nghệ gỗ) sớm nhất Nam Bộ ngay từ đầu thế kỷ XX (1901). Hơn nữa, Thủ Dầu Một – Bình Dương là nơi nổi tiếng hàng đầu ở Nam Bộ về các kiến trúc  đình chùa, nhà cổ bằng gỗ, tiêu biểu như đình Phú Cường, chùa Hội Khánh,v.v
          Cách đây chưa lâu, có một tài liệu nói về “ngôi đình Thủ Dầu Một” trên đất Pháp vào những năm đầu thế kỷ XX, do nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu công bố với nhiều cứ liệu, sử liệu cụ thể và thuyết phục.(1) Ông đã dựa vào tài liệu của “Hội tưởng niêm Đông Dương” (Le Souvenir Indochinois) và chính ông đích thân qua Pháp viếng thăm nơi có ngôi đình Thủ Dầu Một được xây dựng trong khu tưởng niệm tại góc rừng Vincenne ở Paris vào mùa Vu Lan 1995. Dưới dây là phần tóm lược nội dung bài viết nói trên của Ông.



 
(1) Nguyễn Đình Đầu, Chuyện về hành cung tây cống, Đặc san Tuổi trẻ Xuân 1999 (trang 12, 13
          “Năm 1906, nước Pháp mở cuộc đấu xảo ở Marseille, có các nước thuộc địa của Pháp tham dự, riêng tỉnh Thủ Dầu Một của Việt Nam góp phần trong triễn lãm “một ngôi đình làng Việt”. Đình gồm 5 gian hai chái; ngang 25m, sâu 10m, làm bằng vật liệu gỗ quí của địa phương và do nghệ nhân Thủ Dầu Một tạo tác theo kiến trúc mỹ thuật cổ điển Việt Nam. Cột và khung đều làm bằng gỗ cẩm lai chạm khắc tinh vi” (1) các tự khí trong đình đều là sản phẩm quí hiếm của Việt Nam. “Sau đấu xảo tại Marsreille ngôi đình Thủ Dầu Một được chuyển về vườn thuộc địa ở Nogent Sur Marne trong một góc rừng Viencenne thuộc mạn Nam Paris”. Tại đây lại tổ chức thêm một cuộc triễn lãm nữa và ngôi đình Thủ Dầu Một này vẫn là tiêu điểm chính thu hút khách tham quan về văn minh làng xã và kiến trúc cổ Việt Nam.
Thế chiến thứ Nhất bùng nổi (1914), ngôi đình trở thành nhà kho của viện Quốc gia Nông học thuộc địa. Bấy giờ chính phủ Pháp buộc thanh niên các nước thuộc địa trong đó có Việt Nam phải tham gia tòng quân trong hàng ngũ quân đội Pháp. Nhiều người trong số đó đã bỏ mình vì chiến tranh của nước Pháp. Nhằm xoa dịu nổi đau mất mát đó, ngày 27/12/1917 chính phủ Pháp cho ra đời “Hội tưởng tiệm Đông Dương’ (Le Souvenir Indochinois) để chăm sóc mộ phần và cúng giỗ vong linh những người đã bỏ mình vì nước Pháp. Hội này “xin sử dụng đình Thủ Dầu Một làm đền thờ của khu tưởng niệm và được khánh thành vào ngày 9/6/1920. Trong đền thờ (vốn là đình Thủ Dầu Một) đặt sắc phong của vua Khải Định và bài vị các tử sĩ  (…). Ngày khánh thành khu tưởng niệm, tuần phủ Đỗng Ngọc Oánh rước sắc phong của vua Khải Định cùng Thượng thư thuộc địa A Sarraut và thống chế joffre của Pháp.  Đến ngày 26/6/1922 Khải Định nhân dịp đi đấu xảo thuộc địa đã đến thăm khu tưởng niêm này”
          “ Ngày 3/7/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách quốc trưởng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thăm nước Pháp nhân hội nghị Fontenableau đã tới đặt vòng hoa tại Khải Hoàn Môn, nơi mộ chiến sĩ vô danh lúc 10 giờ và 11 giờ Người đã tới đặt vòng hoa tại khu tưởng niệm tử sĩ Đông Dương nói trên”.
          Kết thúc bài viết trên, tác giả Nguyễn Đình Đầu cho biết thêm “ngày nay khu tưởng niệm vẫn còn như xưa, trừ ngôi đền thờ bị thần hỏa thiêu rụi từ 10 năm qua” (2) (theo đó là năm 1989 ? )
Riêng về chùa Hội Khánh và hòa thượng Từ Văn đã đề cập ở trên có thể đã có một mô hình hoặc phiên bản của một ngôi chùa ở Thủ Dầu Một (có thể là chùa Hội Khánh) đã được đưa đi dự đấu xảo tại Marseille vào năm 1906 hoặc 1922. Cũng như hòa thượng Từ Văn được mời đến Pháp cùng với tự khí của chùa để làm lễ cầu siêu cho tử sĩ Việt Nam chết trận ở Pháp nhân lễ khánh thành đền tưởng niệm tử sĩ (vốn là ngôi đinh mẫu ở Thủ Dầu Một) tại Pháp ngày 9 tháng 6 năm 1920 nói trên hoặc cuộc đấu xảo tại Marseille vào năm 1922.
Như vậy, qua các tài liệu đáng tin cậy cũng như chuyến thăm quan tìm hiểu tại chỗ ở Pháp của nhà nghiên cứu uy tín Nguyễn Đình Đầu như đã trình bày ở trên, chúng ta được biết khá rõ là đã có một mẫu, hay một phiên bản, một ngôi đình Thủ Dầu Một do chính nghệ nhân Thủ Dầu Một tạo tác, được chọn đại diện cho “kiến trúc và nghệ    
(1) Phần trong ngoặc kép là trích nguyên văn của tác giả Nguyễn Đình Đầu
(2 )Nguyễn Đình Đầu, Hồ Chủ tịch ở Pháp 1946, Nxb Hà Nội 1995
thuật cổ điển Việt Nam” tại cuộc đấu xảo của các nước thuộc địa Pháp từ những năm đầu của thế kỷ XX (1906). Sau đó đình được chuyển về gần Paris và được dùng làm đền thờ (1920 - 1989) để tưởng niệm những người Việt Nam (không có đạo công giáo) đã phải chết trận cho nước Pháp trong thế chiến thứ Nhất. Kiến trúc này mô phỏng theo mẫu một ngôi đình truyền thống tiêu biểu ở Thủ Dầu Một và Nam Bộ lúc bấy giờ, đó rất có thể chính là ngôi đình Phú Cương, “ngôi đình được xem là cổ kính đẹp nhất nhì Nam Kỳ” về kiến trúc gỗ như nhiều người đã nói trên.
Đình Phú Cường đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, Quyết định số 3875/QĐ –UB của UBND tỉnh Bình Dương ngày 2/6/2004 .

N.H.H              


Không có nhận xét nào: