Phật Giáo Bình Dương đầu thế kỷ XX qua tác phẩm Hán Nôm “Lưu Hương Diễn Nghĩa Bảo Quyển”


PGS.TS TRẦN HỒNG LIÊN

Từ sau năm 1698, với sự thiết lập cơ cấu hành chính của Nguyễn Hữu Cảnh, vùng đất Đàng Trong, mà Đồng Nai, Gia Định là hai khu vực lớn, đón nhận di dân từ miền Trung vào Nam khai phá. Chùa chiền cũng theo sự có mặt của di dân mà hiện diện rộng khắp. Dinh Trấn Biên thuộc huyện Phước Long xưa, vốn bao gồm 3 trung tâm thị tứ của Bình Dương ngày nay: Tân Uyên, Lái Thiêu, Thủ Dầu Một. Dọc theo hai bờ sông Đồng Nai và lan sang các Tỉnh như Bình Dương, Tây Ninh… khu vực Đông Nam bộ bấy giờ đã là điểm đầu tiên, đưa Phật giáo từ miền Trung du nhập vào Nam bộ.
Cho đến giữa thế kỷ 19,  Phật giáo Bình Dương, với trung tâm là Thủ Dầu Một, đã có những khởi sắc về tổ chức và sinh hoạt Phật giáo.
Khảo sát một số tác phẩm văn học Phật giáo, đặc biệt là đã được phổ biến trong dân gian ở Bình Dương đầu thế kỷ 20, phần nào còn giúp nhận diện được tính đặc thù và đa dạng của Phật giáo Bình Dương, đồng thời cũng góp phần vào việc nhận diện vị trí, vai trò và ảnh hưởng nhất định của văn hóa vùng đất Đông Nam bộ nói chung trong lịch sử phát triển Nam bộ.
1. Văn học Phật giáo ở Bình Dương trong giai đoạn đầu thế kỷ 20 khởi sắc với các tác phẩm được lưu hành rộng rãi trong dân gian, được nhiều người biết đến như Lưu Hương Diễn nghĩa Bảo quyển, Hương Sơn Bảo quyển; Lưu Hương Nữ Bảo quyển..
Lưu Hương Diễn nghĩa Bảo quyển là truyện cổ Phật giáo dạng thơ lục bát, viết bằng chữ Hán Nôm, gồm 3.042 câu. Sách xuất hiện ở Thủ Dầu Một, do hai tín nữ chùa Hội Khánh là Nguyễn Từ Nguyên và Huỳnh Diệu Trúc san định lại vào mùa thu năm Mậu Thân 1908. Sách được in trên giấy bản khổ 13 x21, 86 trang [1].
Bảo quyển là dạng tên gọi để chỉ những sách viết về truyện cổ Phật giáo, hoặc lọai diễn nghĩa từ kinh Phật dưới đời Tống ở Trung Quốc, như các quyển Thăng Thiên Bảo Quyển, Ngư Lam Quan Âm Bảo Quyển….
Gần đây, Lưu Hương Diễn nghĩa Bảo quyển đã được Phan Thanh Đào dịch ra Việt ngữ, do Hội Khoa học Lịch sử Bình Dương xuất bản[2].  Nội dung đề cập đến gia đình của ông Lưu Quan và bà Từ Thị. Hai người có cô con gái tên Lưu Hương, do lúc mới được sinh ra, cô có mùi hương lan tỏa và có ánh sáng. Khi lớn, Lưu Hương sớm giác ngộ Phật pháp, theo ni sư Chân Không tu hành, nhưng cha mẹ đã hứa hôn cho gia đình họ Mã, nên vì chữ hiếu cô không thể chối từ.
Cốt truyện đề cập đến hành động khuyến thiện quan trọng của Lưu Hương, như khuyên nhũ cha mẹ bỏ nghề buôn bán rượu thịt, vì cô tin vào thuyết nhân quả và đã được cha mẹ chấp thuận. Sách cũng đề cập đến hòan cảnh oan trái của Lưu Hương khi về làm dâu nhà họ Mã, qua cuộc hôn nhân ép buộc. Nhưng cuối cùng, với tính nhẫn nhục chịu đựng, sự mềm mõng khuyên lơn, Lưu Hương đã thuyết phục và cảm hóa được gia đình chồng.
Mười điều khuyên của Lưu Hương dưới dạng thơ lục bát:
« Một là tin tưởng Phật trời
Thờ cha kính mẹ hiếu thời vi tiên
Hai là tu đức hồi thiên
Từ bi nhẫn nhục cố kiên tinh thần 
Ba là rượu thịt chớ gần
Ăn chay niệm Phật ân cần thiện vi
Bốn là sắc dục đọan ly
Trừng tâm thanh tịnh lễ nghi vẹn tòan
Năm là hòa thuận xóm làng
Bần dân ân xá bạc vàng đừng tham
Sáu là tu tạo chùa am
Ngân tiền bố thí chớ cam một mình
Bảy là an dưỡng tín thành
Đê tâm hạ khí từ thìn nết na
Tám là chớ nói sai ngoa
Cố ngôn cố hạnh gần xa yên vì
Chín là lập chí tu trì
Kiên tâm luận đạo thần kỳ kính khâm
Mười là chẳng đặng tà dâm
Sát sanh hại vật sắc âm chớ gần. »
2. Những chủ đề chính trong Mười điều khuyên của Lưu Hương trong Lưu Hương Diễn nghĩa Bảo quyển.
Qua mười điều khuyên, ta thấy truyện đề cao lòng hiếu thảo đối với cha mẹ lên hàng đầu. Qua Lưu Hương, truyện khuyên mọi người hãy có lòng từ bi và hạnh nhẫn nhục, không sát sinh, không tà dâm, không ham mê sắc dục; sống hòa thuận với xóm giềng; không tham của cải của người; nên làm phước, bố thí; không nói lời điêu ngoa, dối trá. Nhìn chung đây là tác phẩm khuyến thiện có ích cho cá nhân, gia đình và xã hội; khuyên nhũ mọi người nên giữ ngũ giới cấm của đạo Phật, vì đây là 5 giới luật căn bản của người phật tử tại gia.
Tác phẩm cũng phô bày một bối cảnh xã hội trong đó quyền bình đẳng cá nhân chưa được tôn trọng, qua tình trạng hôn nhân còn nặng yếu tố mai mối, hứa hôn, chứ không xuất phát từ tình yêu đôi lứa. Tác phẩm đưa ra một hình tượng mẫu, cô Lưu Hương, một người con gái có lý tưởng sống, tin tưởng vào luật nhân quả báo ứng, biết trọng lẽ phải, nên cuối cùng, sau khi đã trải qua nhiều gian nan, thử thách, bằng sự nhẫn nhục chịu đựng của mình, cô đã cảm hóa được mọi người xung quanh, nhất là những người kề cận, gần gũi với mình nhất, là gia đình chồng và  cha mẹ mình.
Tư tưởng xuyên suốt ở đây còn góp phần nói lên tính tích cực của hành động nhẫn nhục trong Phật giáo. Trước nay, không ít người thường cho rằng: Phật giáo là tôn giáo yếm thế, vì khuyên con người hãy nhẫn nhục, mà nhẫn nhục là một hành động tiêu cực, thụ động, chấp nhận cái xấu, cái ác mà không có sự phản kháng lại. Thực ra, Phật giáo không chủ trương như vậy! Trong quan niệm của Phật giáo, nhẫn nhục không phải là ngồi yên, chịu đựng, chấp nhận trong thái độ buông xuôi, mà lại chính là một thái độ mang tính tích cực. Trong sự nhẫn nhục hàm chứa một ý muốn chuyển hóa tâm thức người khác, từ ác thành thiện, từ sai thành đúng, bằng một thái độ mềm mõng, từ tốn và hòa nhã. Theo quan điểm Phật giáo, tính tích cực thể hiện ở chổ, trước những hòan cảnh xã hội chưa tốt, không thể thay đổi cảnh đời, thay đổi cuộc sống, mà chính là phải chuyển đổi tâm thức của chính mình. Đạo Phật đã từng quan niệm: Phật tại tâm; tâm bình thế giới bình!
Trên những lý lẽ đó, tác phẩm Lưu Hương Diễn nghĩa Bảo quyển đã có một kết thúc tốt đẹp, dân gian gọi là kết cục “có hậu”! Bằng vào những hoài bảo chân thành, Lưu Hương đã chuyển hóa được những người quanh mình, từ việc đang tìm kiếm mưu sinh bằng con đường bất thiện, nay đã trở nên có cuộc sống thiện lành, biết ăn năn hối cải, biết hướng thượng và hướng thiện. Đó là một quá trình tiến tu trên đường đạo, thể hiện tính dân gian rõ nét. Chúng ta không tìm thấy ở tác phẩm những ngôn từ hoa mỹ, những triết lý cao xa, khó hiểu, những khái niệm trừu tượng như vô ngã, vô thường, vô trụ…mà là những lời khuyên nhũ cụ thể, sống động, gắn liền với cuộc sống đời thường, luôn diễn ra sinh động. Làm tròn những hành động ấy cũng chính là làm tròn nhân đạo vậy!
3. Ý nghĩa của tác phẩm đối với văn học Phật giáo Bình Dương
Qua tên gọi tác phẩm cho thấy đây là một tác phẩm văn học Phật giáo, là một dạng truyện cổ, với những nhân vật sống trong một xã hội chưa được sự tự do và bình đẳng trong hôn nhân. Toàn bộ tác phẩm tóat lên tính cách dân gian. Ở đây Phật giáo đã được bình dân hóa. Việc lưu hành rộng rãi tác phẩm này ở Bình Dương đã chỉ ra rằng đến đầu thế kỷ 20 (1908), văn học Phật giáo ở Bình Dương đã khởi sắc. Cùng với sự phổ biến chữ quốc ngữ đầu thế kỷ 20, tại Bình Dương vẫn còn dấu ấn của yếu tố văn học cổ điển. Tác phẩm bằng chữ Hán Nôm được san định lại trong giai đọan này chứng tỏ vẫn còn có một lớp người, đặc biệt là giới tu sĩ, phật tử am hiểu Hán Nôm, đã và đang sử dụng chữ viết này vào việc học đạo, tu tập. Và như vậy, qua tác phẩm cũng cho thấy những yếu tố văn hóa dân gian vẫn còn đậm nét trong cơ cấu văn hoá của vùng đất này.
Tên gọi tác phẩm mặt khác còn cho thấy mối quan hệ, giao lưu văn hóa khá chặt chẽ diễn ra giữa Phật giáo vùng đất mới với Phật giáo Trung Quốc, ít ra là từ khi xuất hiện chữ Nôm cho đến đầu thế kỷ 20. Điều này góp phần chứng minh cho mối quan hệ cộng cư giữa cư dân Việt và Hoa ở vùng đất Đông Nam bộ. Thông qua các thiền sư, văn hóa Phật giáo từ Trung Quốc đi vào Nam Việt Nam không chỉ có kinh, luật, mà còn có cả những bảo quyển! Loại hình văn hóa này bỗ trợ khá lớn cho việc truyền bá giáo lý Phật giáo, vì nó nhẹ nhàng, dễ nhớ, dễ gây được sự xúc động, và vì nó gắn liền, gần gũi hơn với cuộc sống đời thường. Một lưu ý rằng, từ sau việc phân chia Đàng Trong, Đàng Ngoài vào thế kỷ 16, Phật giáo từ Trung Quốc có điều kiện truyền bá trực tiếp vào Đàng Trong, thông qua các thiền sư Trung Hoa. Đó cũng là một trong những nguyên nhân giải thích vì sao ở Nam bộ hiện nay, dấu ấn văn hóa Trung Hoa hãy còn khá đậm nét so với ở miền Bắc Việt Nam, thể hiện trên nhiều lĩnh vực, không chỉ riêng đối với Phật giáo, mà còn trong quan hệ với tộc người Hoa, Khmer..., đã tạo cho địa bàn Nam bộ hiện nay trở thành một vùng đất đa văn hóa, một địa bàn cộng cư đa dân tộc.
Tuy nhiên, cũng thấy rằng trong việc truyền bá văn hóa Phật giáo Trung Quốc vào Nam Việt Nam qua cửa ngõ Đông Nam bộ, sự tiếp thu của cư dân Việt, trong đó có cư dân Bình Dương không hòan tòan mang tính rập khuôn, máy móc. Tác phẩm là một tập thành văn Hán Nôm, chứ không chỉ đơn thuần bằng Hán văn. Sự tiếp thu có sáng tạo là một đặc trưng tộc người của dân tộc Việt Nam với tư cách là một cộng đồng tộc người (nation).
Sự kế thừa, tiếp thu và phát triển loại hình truyện dân gian qua lăng kính Phật giáo hiện nay cho thấy đối với cư dân Nam bộ, Phật giáo vẫn luôn được bình dân hóa và mang tính địa phương rõ nét. Ở đây, đạo Phật là đạo của sự cứu khổ cứu nạn, của khuyến thiện trừng ác. Chúng ta ít tìm thấy những lý lẽ sâu xa, cao siêu, những từ ngữ mang tính triết học, mà là những lời khuyên răn, hãy “ăn hiền ở lành”; những lời dạy bảo giúp cho con người làm tròn bổn phận trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Phật giáo ở đây đã đưa con người trở về với thực tế của cuộc sống nhiều hơn, để trước hết, chính là để làm tròn nhân đạo, rồi sau đó mới tiến đến tu giải thoát.Việc dịch ra Việt ngữ và xuất bản tác phẩm này thời gian gần đây (năm 2006)  còn cho thấy ít ra là đối với cư dân Bình Dương, nhu cầu đến với đạo Phật, tìm hiểu và thực hành giáo lý của đạo theo một dạng thức phổ biến trong giới bình dân xưa nay: dạng văn vần lục bát, gần gũi với ca dao, tục ngữ vẫn còn được ưa chuộng. 
Tóm lại, chỉ xét qua trường hợp của một tác phẩm Hán Nôm được san định và lưu hành tại Bình Dương đầu thế kỷ 20, đã được dịch ra Việt ngữ dưới dạng văn vần lục bát vào đầu thế kỷ 21, đã góp phần chỉ ra tính chất dân gian trong Phật giáo Việt Nam nói chung và riêng với Phật giáo ở Bình Dương hiện nay. Bình Dương là vùng đất có nhiều đặc thù về địa- văn hóa, với nhiều cộng đồng dân cư  từ các nơi đến sinh sống cận sông nước. Tính chất thóang mở ấy đã giúp cư dân tíếp thu dễ dàng loại hình truyền bá giáo lý qua truyện thơ, bằng văn vần dễ nhớ, dễ thuộc, dễ đi vào lòng người. Với quan niệm truyền bá chính pháp bằng mọi phương tiện, sao cho những điều cốt tủy, những tinh hoa trong giáo lý có thể đến được một cách dễ dàng với nhiều người và đều được mọi người  thực hành theo, nhằm mang lại lợi lạc cho chính mình và cho mọi người, chính là các thiền sư đã đạt được ý nguyện hoằng pháp (truyền đạo) của mình. Điều này đã tạo nên nguồn sức mạnh nội lực để trong nhiều thế kỷ qua, từng lớp thiền sư đã đến và dừng chân tại Bình Dương, đã góp phần không nhỏ vào sự tồn tại và phát triển của Phật giáo trên vùng đất này. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Phan Thanh Đào (dịch) 2006. Lưu Hương diễn nghĩa bảo quyển. Hội Khoa học Lịch sử Bình Dương.
- Sở Văn Hóa -Thông Tin Tỉnh Bình Dương 1999. Thủ Dầu Một-Bình Dương đất lành chim đậu. Nxb. Văn nghệ Tp.HCM.
- Thích Huệ Thông 2000. Sơ thảo Phật giáo Bình Dương. Nxb Mũi Cà Mau-Tỉnh Hội Phật giáo Bình Dương.
- Viện nghiên cứu văn hóa -nghệ thuật Việt Nam- Phân viện tại Tp.HCM 2002. Sổ tay hành hương đất phương Nam. Nxb. Tp.Hồ Chí Minh.


[1] Thích Huệ Thông 2000. Sơ thảo Phật giáo Bình Dương.Nxb Mũi Cà Mau-Tỉnh Hội Phật giáo Bình Dương. Tr. 228-229.
[2]  Phan Thanh Đào (dịch) 2006. Lưu Hương diễn nghĩa bảo quyển.. Hội Khoa học Lịch sử Bình Dương.

Không có nhận xét nào: