Kim Huê
Nhạc sĩ Võ Đông Điền và ca sĩ Quang Linh |
“Tôi đã trở về thăm mảnh đất Bình
Dương thân yêu. Bên dòng sông xanh mang theo tuổi thơ hoa bướm và cả tuổi thanh
xuân chôn kín những nỗi buồn.
Tình yêu đến với tôi như những
cánh lục bình mang đầy hoa tím trôi lênh đênh, dập dìu trên sóng nước buổi
hoàng hôn...Rồi tôi ra đi, hành trang tôi mang theo là những mảnh vở của trái
tim chất chứa nhiều kỷ niệm của quê hương..”
Tôi đến viếng thăm Hội VHNT tỉnh Bình Dương nằm
đối diện bên dòng sông Sài Gòn vào những ngày cuối năm. Những ngày mùa đông khí
hậu Bình Dương thật ấm áp. Những cơn gió từ dòng sông thổi vào mát rượi và làm
rung động, xao xuyến những hàng cây trồng dọc ven bờ. Bình Dương thay đổi nhiều
quá! Và khi tôi trở về, tôi đã trở thành
người lạ .
Tôi xuất hiện bất ngờ khiến anh Võ Đông Điền ngỡ
ngàng. Anh buông tờ báo xuống, khuôn mặt rạng rỡ nụ cười. Giọng nói miền Nam,
quen thuộc, ấm áp của anh rót vào tai tôi: “Em
về hồi nào vậy?”. Tôi đáp: “Tối thứ
sáu vừa qua. Anh vẫn như xưa, không già đi và không bao giờ thay đổi.” Anh
hỏi tiếp: “Chừng nào em đi? Em có ở lại
ăn Tết với tụi anh không?”. Tôi cười cười đáp: “Em chỉ có 2 tuần nghỉ phép thôi! Em sẽ đi sau Noel.” Anh lại hỏi:
“Sao em đi sớm vậy?”. Giọng nói anh cảm động và rất vui. Tôi cũng mừng rỡ khi gặp anh và
nhiều văn nghệ sĩ như anh Nguyễn Tiến Đường, anh Nguyễn Công Dinh, anh Nguyễn
Hiếu Học, nhạc sĩ Phan Hữu Lý , chị Phan Hai, anh Thăng Long ... Tất cả các anh
chị là những người bạn tâm giao của tôi hơn 30 năm. Tôi vẫn còn giữ mãi những
ấn tượng tốt đẹp về các văn nghệ sĩ đã cùng tôi chia sẻ vui buồn trong những
ngày tháng long đong đầy khổ hạnh.
Nhạc sĩ Võ Đông Điền vẫn như xưa dù chúng tôi xa
nhau hơn 20 năm. Anh và tôi dạy chung một trường. Anh là giảng viên dạy môn Âm
nhạc, còn tôi dạy môn Ngữ văn ở Trường Sư Phạm Sông Bé. Anh giản dị, hiền hậu, ít nói. Trên khuôn mặt thầm lặng của anh chỉ có
đôi mắt trầm tư, buồn buồn, đa cảm như ẩn chứa một vùng trời mênh mông của cây
trái, sông nước Bình Dương. Đôi mắt đó như nói với tôi tất cả những giai điệu
mà anh đã gởi vào trong từng ca khúc. Tôi ra đi âm thầm và trở về cũng âm thầm,
không ồn ào. Tôi như một chiếc bóng lặng lẽ đến và lặng lẽ ra đi. Bạn bè cũ gặp
lại nói rằng tôi vẫn giản dị, mộc mạc như ngày xưa.
Sau hơn 20 năm, tôi chỉ gặp nhạc sĩ Võ Đông Điền chỉ
có hai lần. Lần đầu tiên năm 2001, tôi gặp anh trong Phòng Văn nghệ và ôm vai
anh trong một phút để nói vài lời từ biệt. Tôi thoáng thấy đôi mắt anh ngỡ
ngàng, vui vui rồi hình như lắng đọng lại đó một câu hỏi: Ai vậy cà? Vì anh đang tham dự một cuộc họp nên tôi lặng lẽ ra
về. Tôi nghĩ bụng, chắc anh không còn nhận ra tôi !?
Đây là lần thứ nhì, tôi
gặp lại anh. Hai anh em ngồi kể chuyện cho nhau nghe
những kỷ niệm xưa. Anh rất ít nói, ai nói gì anh chỉ lắng nghe và cười. Tôi kể
cho anh nghe những ngày sống xa quê hương. Mỗi khi nghe ai hát bài “Quê Hương” tôi lại nhớ nhạc sĩ Giáp Văn
Thạch và người bạn gái của tôi (người yêu anh, cũng là một cô giáo dạy Văn). Khi nghe ai hát bài hát “Tiếng hát chim đa đa, Xin đừng trách đa đa” tôi lại nhớ đến Võ Đông
Điền.
Anh sáng tác hơn 100 ca khúc dành cho người
lớn và trẻ em. Anh say mê tân nhạc nhưng cũng rất thích cổ nhạc, nên cũng dành
thời gian viết hơn 40 bài ca cổ và in thành tập ca cổ Bình Dương mùa trái chín, được giới mộ điệu cải lương rất yêu
thích. Những năm trước đây, khi Hãng phim Truyền hình Bình Dương còn hoạt động,
anh vẫn thường viết nhiều ca khúc cho phim như bài hát: “Ký Ức Một Miền Quê”,
“Xuân Trên Đồi Bằng Lăng”, “Bóng Mát Cuộc Đời”, “Em Tôi”, “Bến Mơ”... Tất cả
những ca khúc của anh ngân nga như những bài ca dao, dân ca đưa chúng ta trở về
quê hương Việt Nam yêu dấu trong vòng tay của mẹ hiền, bên chiếc võng đong đưa
lời ru ngọt ngào, êm đềm của mẹ, trong cánh diều bay vun vút trời xanh, trong
cánh hoa bằng lăng tím ngát, hay bên dòng sông muôn đời hiền hoà có dòng nước
trôi xuôi, có con đò đưa khách sang sông. Và chúng ta có thể tìm trong những ca
khúc của anh tình yêu quê hương đất nước, tình yêu con người nở hoa bất tận.
Đặc biệt, tình yêu đôi lứa là đề tài thật lãng mạn, thật đẹp và thơ mộng luôn
ẩn hiện trong suốt những dòng nhạc sâu lắng dịu dàng và tha thiết của anh, như
bài hát “Bất Chợt Ta Nhìn Nhau”:
“Bất chợt em nhìn anh, lắng nghe
từng kỷ niệm. Bất chợt anh nhìn em, nhớ những ngày xa xưa. Ta quen nhau, ta yêu
nhau, ta xa nhau chẳng nhớ độ nào. Dòng sông xanh đã trôi đi theo tháng năm âm
thầm sóng vỗ. Tuổi ngây thơ đã trôi đi theo ước mơ, có chăng là nỗi nhớ,
nhớ...”
Giai
điệu của
nhạc biến hoá tài tình ở đoạn cuối phần một của từ “nhớ...” Từ điệu Slow Surt, nốt La
kéo dài đến Đô thăng, chuyển tiếp đến Rê và cao vút, ngân nga đến
Mi...(Tacet),
thể hiện nỗi nhớ nhung dâng trào, da diết…
Tình yêu đó đã trở thành dĩ vãng xa xôi, có chăng chỉ còn là kỷ niệm không bao giờ tìm
lại được. Em yêu ơi! Dòng đời đầy ghềnh thác, biết bao nhiêu chông gai, cay
đắng, lỡ làng. Ngỡ rằng tình xưa như một giấc mơ nhưng tôi đã gặp lại em, ánh mắt xưa ngập tràn bao nhung nhớ, và trái
tim người nhạc sĩ đã thổn thức:“ ...Tình yêu xưa ngỡ phôi phai như giấc mơ,
cung đàn đã lỡ. Đập gương xưa có thấy đâu trong bóng gương...vỡ tan, lỡ
làng...Tình cờ gặp nhau đây, tưởng rằng phôi phai, bâng khuâng người em
gái....” Và niềm hối tiếc sâu xa đã tràn ngập trong tâm hồn người nhạc sĩ
đa tình. Anh viết: “Sao không như ngày ấy, ngày em tròn hai mươi tuổi. Sao
không như ngày ấy, để anh mãi còn đôi mươi”. Ai cũng có tình yêu và trong
mỗi chúng ta ai cũng có những mối tình dang dở. Do đó, bài hát làm rung động
người nghe vì nó đã khái quát được những cuộc tình thơ ngây, lãng mạn, nhưng
cuối cùng phải chia ly, đầy nuối tiếc.
Trong DVD “Quê
hương những khúc tình ca” của anh có 12 ca khúc, phần lớn là những ca khúc
được nhiều người biết đến như “ Tiếng Hát Chim Đa Đa, Xin Đừng Trách Đa Đa, Bất
Chợt Ta Nhìn Nhau, Em Tôi...” với giọng ca truyền cảm, ngọt ngào của ca sĩ
Quang Linh. Có thể nói, Quang Linh là ca sĩ đã thể hiện rất thành công các ca
khúc của Nhạc sĩ Võ Đông Điền. Bài hát Tiếng Hát Chim Đa Đa anh viết từ năm
1993, đã được nhiều ca sĩ trong và ngoài tỉnh thể hiện nhưng không gây được
tiếng vang lớn, nhưng đến khi nó được Nhạc sĩ Vi Nhật Tảo hòa âm, phối khí và
ca sĩ Quang Linh thể hiện thì bài hát này
đã được bầu
chọn là ca khúc được nhiều người yêu thích nhất trong năm 1999 của Làn Sóng
Xanh. Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều ca khúc tiếp theo của Võ Đông Điền cũng đã
được Quang Linh thể hiện khá thành công như: Xin Đừng Trách Đa Đa, Em Tôi,
Những Cánh Diều Quê Hương, Đêm Giao Thừa Nghe Một Khúc Dân Ca, Trường Xưa Kỷ
Niệm, Gió Đưa Ngan Ngát Hương Dừa…
Nhạc sĩ Võ Đông Điền và nhạc sĩ Giáp Văn Thạch đều
sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Bình Dương, nên tình yêu của các anh dành cho
mảnh đất này rất sâu đậm. Trong tuyển tập nhạc mà
Nhạc sĩ Võ Đông Điền ký tặng cho tôi do Nhà xuất bản Trẻ Tp.HCM ấn hành có tất cả
40 ca khúc thì đã có đến bốn bài hát mang tên Bình Dương: Người Đẹp Bình Dương,
Bình Dương Hương Sắc Dịu Dàng, Bình Dương Một Khúc Tình Quê, Trăng Bình Dương.
Và trong DVD Quê hương những khúc tình ca có 12 ca khúc thì đã có 3 bài hát
mang tên Bình Dương. Ngay cả trong những bài hát khác, dù không đặt tựa đề là Bình Dương, nhưng lời ca
cũng thấp thoáng trong ấy cái hình bóng của đất và người Bình Dương, như bài hát
“Miền Đất Tôi Yêu”, trong đó có đoạn: “Tôi
yêu Bình Dương, chẳng biết yêu thuở nào. Tôi yêu Bình Dương, yêu từng góc phố
không tên. Một dòng sông mênh mông sông nước. Một con đò đưa khách sang
sông...”.
Trong hàng trăm ca khúc anh viết, hai bài hát
Tiếng Hát Chim Đa Đa và Xin Đừng Trách Đa Đa đã gây được tiếng vang lớn ở trong
và ngoài nước. Bài hát như một huyền sử về một loài chim xuất hiện trong dòng
văn học, ca dao, dân ca Việt Nam. Một loài chim ít ai biết đến. Tôi chưa bao
giờ thấy và biết đến con chim Đa Đa, cho dù, tôi đã sống cả tuổi thơ b
ên dòng sông Sài Gòn tỉnh Bình Dương. Con chim Đa
Đa chỉ có trong ca dao, dân ca miền Nam mà tôi thường nghe mẹ tôi hát từ thuở
ấu thơ: “Chim Đa Đa đậu nhánh Đa Đa. Chồng gần sao không lấy mà đi lấy chồng
xa. Mai sau cha yếu mẹ già. Chén cơm đôi đũa, bộ kỷ trà ai dưng”... Nhạc sĩ Võ Đông Điền đang gởi gắm tâm tư và trái tim cho ai? Nếu bài hát chỉ nói về tình
yêu trai gái trong luỹ tre làng thì nó không có giá trị phổ quát, gây ấn tượng
sâu đậm cho những người xa xứ có thân phận lạc loài. Nó cũng chỉ làm một trong
những bài hát đơn giản nói về tình yêu đôi
lứa mà tôi
sẽ quên nhanh như bao nhiêu bài hát khác. Tôi là người đã bỏ xứ ra đi khi tuổi
còn xuân, lứa tuổi cần tình yêu và đang yêu. Nhưng tôi đã không còn dám yêu ai.
Tôi rời khỏi Việt Nam và lấy chồng xứ lạ. Tôi là một trong những người thấm thía
và thấu hiểu sâu sắc bài ca anh viết.
Nhưng cho đến nay, tôi cũng không thể nào hiểu được người con gái nào đi vào
hồn anh sâu lắng đã khiến những nốt nhạc kia chơi vơi, buồn bả và xót xa: “Rồi
con chim đa đa ngẩn ngơ đứng trông về chốn xa. Còn âm vang câu ca ngày em bước
chân đi theo chồng...Nhìn mây trôi mênh mông nơi quê chồng em còn buồn
không?..”. Câu hát vừa hờn trách vừa dịu dàng và đầy lòng vị tha. Anh hỏi
người con gái anh yêu rằng em lấy chồng nơi quê người em còn buồn như xưa hay
em đang vui duyên mới trong số phận ly hương? Câu hỏi như xoáy vào tâm hồn
những ai rời bỏ quê hương để lấy chồng xa xứ. Anh trách sao người con gái vô
tình và tại sao không lấy chồng gần mà lại lấy chồng xa, để “chim bay biển
Bắc, anh tìm biển Nam”. Và anh lại trách vì sao tình đôi ta phải chia lìa “...Ai
làm. Ai làm cho giọt mưa tuôn. Ướt con bướm
vàng khi đậu nhánh mù u. Chim chuyền nhành ớt, nhành dâu, lấy chồng xa xứ biết
đâu mà tìm..” Giọt mưa sa hay nước mắt của người con gái rời khỏi quê hương đã làm
ướt đôi cánh của con bướm vàng đậu nhánh mù u. Nội dung lời ca đơn giản, mộc
mạc, gần gũi nhưng đã mang lại một niềm xúc cảm vô biên đối với những người con
gái phải lấy chồng xa xứ, nghe như một bài ca dao, một bài dân ca mang âm điệu u buồn quyến rũ, ru ta vào cõi bềnh bồng của những mối tình
câm lặng, tan vỡ, ngập tràn hoài niệm và đầy tính nhân văn.
Lời hát sau cùng đã lập lại tựa đề bài hát chan
chứa tình người “Xin em đừng trách Đa Đa, xin em đừng trách Đa Đa...”.
Đó là những lời an ủi, vỗ về hay chia sẻ, cảm thông “Ai ơi, xin đừng trách người đi !... Nhạc sĩ Võ Đông Điền đã viết bài hát này cho ai thế nhỉ? Cho một người tình? Một cô bé hàng xóm đã có tuổi thơ
và một thời hoa mộng bên lũy tre làng hay một bóng hồng nào mà anh đã thầm yêu,
trộm nhớ? Con chim Đa Đa chỉ là một huyền sử. Có chăng nó chỉ tượng trưng cho
mối tình bí ẩn và huyền hoặc mà người nhạc sĩ đa tình đã chôn sâu vào tận đáy
lòng.
K.H
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét