Thứ Ba, 15 tháng 9, 2015

VÀI SUY NGHĨ VỀ NGÀY SÂN KHẤU VIỆT NAM

Võ Đông Điền



       Sân khấu là một trong những loại hình nghệ thuật ra đời sớm nhất ở nước ta. Sân khấu Chèo ra đời từ thế kỷ thứ X ở vùng châu thổ sông Hồng, là loại hình nghệ thuật đặc biệt phục vụ các dịp lễ hội dành cho công chúng; sân khấu Tuồng (hát bội) ra đời muộn hơn, vào thời tiền Lê, năm 1005. Về sau, hàng loạt các loại hình sân khấu khác lần lượt ra đời như : cải lương, kịch nói, xiếc, ca kịch Huế, ca kịch bài chòi, múa, ca nhạc . . .
Hàng trăm năm qua, phong tục về thờ cúng ông Tổ Sân khấu vẫn còn in dấu vết trong sinh hoạt của người nghệ sĩ và trong từng gánh hát. Nhưng cho đến nay, chẳng ai biết chính xác ông Tổ Sân khấu là ai và Lễ Giỗ Tổ xuất phát từ đâu? có từ bao giờ ?
Chỉ biết rằng từ khi những nghệ sĩ lão thành như NSND Thành Tôn, NSND Năm Châu, NSND Phùng Há . . . còn nhỏ thì họ đã thấy có Giỗ Tổ rồi. Các học giả, các nhà nghiên cứu như Vương Hồng Sểnh, Sơn Nam, Đinh Bằng Phi … đã có nhiều nghiên cứu về ông Tổ Sân khấu và đưa ra nhiều yếu tố lịch sử, giai thoại, truyền thuyết … nhưng chưa mang tính thống nhất cao.
Có truyền thuyết cho rằng, Ông Tổ của sân khấu gồm có 3 người : ông vua, ông ăn cướp và ông ăn mày. Truyền thuyết này ảnh hưởng mạnh mẽ đến mức cho tới ngày nay, giới nghệ sĩ rất kiêng kỵ việc cho tiền người ăn xin và cũng kiêng kỵ cả việc vừa đánh đàn, vừa hát. Nghệ sĩ Thành Được, thời hoàng kim của sân khấu cải lương, nổi tiếng là người rất hào hoa và phóng khoáng, nhưng ông không bao giờ cho tiền người ăn xin, vì bố thí như thế là xúc phạm đối với Tổ nghiệp. NSND Kim Cương nhớ lại, thời cha của bà còn là chủ gánh hát bội Phước Cương, đi hát bằng ghe, dọc ngang sông nước qua những nơi hẻo lánh xa xôi, dù ban ngày hay đêm hôm khuya khoắt, vẫn không bao giờ bị cướp. Mỗi khi gặp cướp, gánh hát chỉ cần gíóng trống, thổi kèn lên là đi qua một cách an toàn, vì luôn luôn được Tổ nghiệp độ trì.
Cũng có truyền thuyết cho rằng Ông Tổ Sân khấu là hai vị hoàng tử mê ca hát, bị vua cha cho quân lính truy tìm, hai vị vì sợ quá nên trốn trong hậu trường gánh hát, rồi sau đó bị chết cháy mà hiển linh thành Tổ Sân khấu.
Lại có truyền thuyết cho rằng, Ông Tổ sân khấu là một vị hoàng tử mê sân khấu, trốn vua cha, chui vào trong bộng cây vông để theo gánh hát rồi chết cháy trong bộng cây vông. Vì thế cho nên, giới nghệ sĩ ngày xưa rất kiêng kỵ mang guốc vông và tượng của Ông Tổ sân khấu cũng được làm bằng gỗ cây vông.
Theo tài liệu nghiên cứu lịch sử gần đây thì vào thời nhà Đinh, sau khi dẹp xong loạn Thập nhị Sứ quân, Đinh Tiên Hoàng Đế chủ trương thiết lập hệ thống hành chánh của triều đình, trong đó có việc sắc phong cho bà Phạm Thị Trân chức Ưu Bà, để phụ trách việc dạy cho quân binh, thị nữ về nhã nhạc, múa hát phục vụ trong triều đình. Việc sắc phong ấy ban hành vào ngày 12 tháng 8 Âm lịch. Cũng có tài liệu cho rằng Ưu Bà Phạm Thị Trân mất ngày 12 tháng 8 Âm lịch năm 976 (thế kỷ thứ X) và được tôn vinh bà là  Tổ nghệ thuật Chèo, hiện nay đền thờ còn đặt tại Ninh Bình.
Ở tỉnh ta, vào thập niên 1990, tại nhà riêng của nghệ nhân Út Lăng (Thủ Dầu Một), đã từng là nơi tổ chức Giổ Tổ sân khấu, diễn ra từ ngày 11 đến ngày 12 tháng 8 Âm lịch hàng năm, rất nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh về dự.Theo ý kiến của cố Giáo sư NS. Lưu Hữu Phước, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Âm nhạc VN và cố GS Nhạc sĩ Tô Vũ thì căn cứ vào yếu tố lịch sử và những luận cứ khoa học, ta nên tôn vinh cụ Nguyễn Trãi là Tổ của ngành Âm nhạc và sân khấu truyền thống Việt Nam. Hiện nay, tượng của cụ Ức Trai Nguyễn Trãi vẫn còn được con cháu phụng thờ tại nhà nghệ nhân Út Lăng (P. Chánh Nghĩa, TDM, BD).
Chúng ta hãy tạm gác qua các yếu tố mang tính truyền thuyết, cũng như các yếu tố lịch sử về gốc gác ngọn nguồn của Ông Tổ nghệ thuật sân khấu; bởi vì cho đến nay, ai là Tổ của bộ môn sân khấu vẫn còn có những ý kiến dị biệt của những người vốn rất am hiểu về nghệ thuật sân khấu. Nhà nghiên cứu sân khấu, soạn giả Đinh Bằng Phi đã có một câu nói làm chúng ta suy gẫm và tâm đắc : “Nghề hát phải học của tất cả các nghề và mang ơn tất cả khán giả thuộc mọi thành phần xã hội vì đã nuôi sống mình. Tổ nghiệp chính là những người đã khai sáng ra nghệ thuật sân khấu, kể cả những bậc tiền nhân đã góp công sức gìn giữ và phát huy để nghệ thuật sân khấu ngày càng được hoàn thiện hơn.” Vì thế, mỗi lần cúng Tổ, mọi người đều nghe người diễn xướng đọc câu thiệu : “Thánh Tổ, Thánh Sư, Tiên Sư, Tổ Sư, Tam giáo đạo sư, Thập nhị công nghệ, Lão lang, Đại thần, Tiền hiền, Hậu hiền, Tả ban, Hữu ban”, đấy là danh xưng của tất cả những vị Tổ đã có công với nghề hát mà người nghệ sĩ luôn thành tâm hướng đến với tinh thần “uống nước nhớ nguồn”.
Năm 2010, từ đề nghị của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Thông báo kết luận công nhận ngày 12/8 Âm lịch hàng năm là Ngày Sân khấu Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định số 13/QĐ-TTg ngày 04/01/2011 công nhận ngày 12/8 Âm lịch là Ngày Sân khấu Việt Nam.
Từ nay, Ngày Giỗ Tổ Sân khấu  đã được Đảng và Nhà nước công nhận chính thức là Ngày Sân khấu Việt Nam, điều này nói lên sự quan tâm của  Đảng và Nhà nước ta đối với nghệ thuật sân khấu, xem đây là một loại hình nghệ thuật giữ một vai trò quan trọng và có ý nghĩa rất lớn trong việc phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Ngày giỗ Tổ cũng là dịp để các nghệ sĩ thuộc các bộ môn sân khấu, gặp gỡ, trao đổi, thăm hỏi nhau và cùng nhau thắp hương tưởng niệm dâng lên Tổ nghiệp, nâng ly rượu chúc mừng sức khỏe, cầu mong cho sân khấu mãi mãi sáng đèn để các nghệ sĩ được cống hiến hết sức mình cho Tổ nghiệp, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Ngày Sân khấu Việt Nam được Đảng và Nhà nước công nhận đúng vào Ngày Giỗ Tổ hàng năm của giới hoạt động sân khấu còn mang ý nghĩa tri ân và tiếp bước theo các bậc tiền bối của nghề. Nhìn lại chặng đường dài hàng trăm năm của lịch sử dân tộc, mặc dù đã bị xã hội phong kiến liệt vào hang xướng ca vô loại, bị gọi là những con hát, thằng hề, nhưng các nghệ sĩ tiền bối vẫn tận hiến cả đời mình cho nghiệp Tổ, coi sân khấu như một thánh đường tôn nghiêm và sống chết với nghề. Chính vì vậy, họ đã tạo nên những tác phẩm, những vai diễn để đời. Giờ đây, người làm sân khấu đã có hẳn một ngày để xã hội tôn vinh, càng đòi hỏi trách nhiệm và đạo đức của người nghệ sĩ đối với công chúng và Tổ nghiệp./.

                                                                                V.Đ.Đ

Không có nhận xét nào: