Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

Âm nhạc Bình Dương - những giai điệu thời gian

Võ Đông Điền


Âm nhạc cùng với các ngành văn học nghệ thuật khác đã đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hoá tinh thần và nâng cao thẩm mỹ của nhân dân ta. Là những người quan tâm đến lĩnh vực âm nhạc ở Bình Dương, chắc hẳn có lúc chúng ta cũng tự hỏi rằng: Âm nhạc Bình Dương đã hình thành như thế nào qua những chặng đường phát triển?
Những năm đầu thế kỷ XX, cuộc xâm lăng toàn diện của thực dân Pháp ở Việt Nam đã gây nên những biến động lớn và sâu sắc trong toàn xã hội. Ngày ấy, nền âm nhạc dân tộc đã phát triển đến mức tột đỉnh của ngũ cung là hát ca trù.
Hát ca trù ở Hà Nội vào những năm đầu thế kỷ XX là thú vui chơi âm nhạc thịnh hành nhất. Nhưng lịch sử âm nhạc Việt nam đã rẽ lối từ 7 con đường đưa âm nhạc thế giới vào VN, mà đặc biệt là bằng đĩa hát, đài phát thanh, phim ảnh đã làm thức tỉnh nền âm nhạc dân tộc.
 Nếu chọn thời điểm khai sinh, có giấy khai sinh là bản nhạc đầu tiên được ký âm đúng và in trên báo chí thì thời điểm ấy chính là tháng 9/1938, khi báo Ngày nay nhân chuyến đi công du xuyên Việt từ Sàigòn của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên tuyên truyền cổ động cho tân nhạc tại Hà Nội đã ấn hành “Bông cúc vàng” và “Kiếp hoa” của ông, cùng nhiều tác phẩm khác như Bình minh của Nguyễn Xuân Khoát, Bản đàn xuân, Tiếng đàn khuya của Lê Thương. Nhạc sĩ Lê Thương tên thật là Ngô Đình Hộ, người Nam Định, làm nghề giáo dạy học ở trường Lê Lợi (Hải Phòng). Khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên đến Hội Trí Tri ở Hải Phòng để cổ động cho phong trào tân nhạc đã gặp gỡ Lê Thương và trở thành bạn đồng hành, người tri âm, tri kỷ.    
Vào giữa thập niên 1950, nhạc sĩ Lê Thương đến Bình Dương dạy học ở trường trung học Nguyễn Trãi. Và cũng chính ông đã cùng với những thầy giáo yêu nhạc khác như thầy Nam Phong, thầy Trương Văn Khuê (tức NSƯT Bắc Sơn), thầy Phan Ngọc Lang (thân sinh của nhạc sĩ Phan Hữu Lý)… đã dấy lên một phong trào âm nhạc sôi nổi trong học sinh lúc bấy giờ với những bài ca yêu nước.  
Người Bình Dương viết nhạc đầu tiên phải nói đến nhạc sĩ Lê Trần. Nhạc sĩ Lê Trần tên thật là Lê Văn Vinh (tức Tư Vinh), ban đầu có tên trong kháng chiến là Lệ Trần, sau đổi thành Lê Trần. Ông sinh năm 1916, xuất thân từ một gia đình theo đạo Thiên chúa toàn tòng, sống trong xóm đạo trên đường Ngô Quyền, thuộc Thành phố Thủ Dầu Một ngày nay. Bản thân ông là thành viên trong Ban nhạc lễ của Nhà thờ Phú Cường. Năm 1945, ông tham gia kháng chiến, hoạt động ban đầu ở miền Đông Nam bộ. Năm 1946, ông viết hai ca khúc cách mạng là bài Quốc dân tiến và bài Tiến binh. Năm 1947, bài Tiến binh được Đài phát thanh Nam bộ dàn dựng và phát sóng đầu tiên; sau đó là bài Quốc dân tiến. Cũng trong năm 1947, Bộ tư lệnh chuyển về đóng ở Giồng Dinh, thuộc xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Năm 1948, ông hy sinh trong một trận càn của Pháp đánh vào Đồng Tháp Mười. Nguyên là một nhạc công chơi kèn Trumpet, nên nhạc của ông mang đậm nét hành khúc, hùng tráng và thường được các đội quân nhạc sử dụng, nhất là bài Tiến binh. Năm 1997, khi Sông Bé được tách thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước, bài Quốc dân tiến của nhạc sĩ Lê Trần được Đài PTTH Bình Dương chọn làm nhạc hiệu. Từ đây, giai điệu của bài hát lại có dịp bay cao, bay xa, nhắc ta nhớ lại người nhạc sĩ cách mạng đầu tiên của đất Bình Dương.
 Sự nghiệp phát triển âm nhạc gắn liền một cách hữu cơ với sự nghiệp cách mạng. Nếu như trong thời kỳ chống Pháp, Bình Dương tự hào có nhạc sĩ Lê Trần, thì sang giai đoạn chống Mỹ, Bình Dương cũng tự hào có nhạc sĩ Lư Nhất Vũ. Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ tên khai sinh là Lê Văn Gắt, sinh ngày 13 tháng 4  năm 1936 tại Phú Cường, Thủ Dầu Một, Bình Dương. Năm 13 tuổi, anh đã biết làm thơ và yêu nhạc. Tham gia hoạt động cách mạng từ lúc còn là học sinh. Đến năm 1955, anh được tổ chức bố trí đưa ra miền Bắc để học tập. Trước khi vào trường nhạc, anh đã là một học sinh miền Nam trên đất Bắc, từng khoác áo Thanh niên xung phong tham gia lao động trên các công trường: Đường sắt Hà Nội – Lào Cai, Xí nghiệp chè Phú Thọ, Nhà máy gỗ dán Cầu Đuống. Năm 1956, anh vào học trường Âm nhạc Việt Nam ở Hà Nội. Nhờ được trang bị những kiến thức căn bản về âm nhạc, cùng với cái vốn sống phong phú trong những lần đi thâm nhập thực tế, nên năm 1962, sau khi tốt nghiệp anh  đã có trong tay 8 tác phẩm âm nhạc được các đoàn nghệ thuật dàn dựng, trong đó có nhiều tác phẩm đoạt giải và được phổ biến trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Từ đây, anh trở thành người hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp cho đến khi anh trở lại miền Nam vào năm 1970.      
Nhiều ca khúc cách mạng của Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ trong thời kỳ chống Mỹ đã là nguồn động viên rất lớn cho đồng bào chiến sĩ ta trong sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam. Có thể kể đến như: Chiều trên bản Mèo (hợp xướng viết năm 1961), Hàng em mang tới chiến hào (1946), Cô gái Sài Gòn đi tải đạn (1968).
Khi bộ phim Đường ra phía trước của đạo diễn Hồng Sến từ miền Nam gửi ra Hà Nội được chiếu lần đầu tiên ở rạp Cách mạng tháng Tám, đã làm người xem rất hứng thú. Hứng thú về các cảnh trong phim và rất hứng thú với bài hát Cô gái Sài Gòn đi tải đạn. Từ cảnh các cô gái, chàng trai chống những chiếc xuồng ba lá chở khẳm những hòm đạn, đến cảnh nấp trong đầm sen trải rộng mênh mông ở Đồng Tháp Mười, đã được tác giả lồng nhạc vào làm nền cho phim, tạo nên những xúc cảm sâu sắc và ấn tượng. 
Trong nhiều ca khúc hay của anh, có sự đóng góp của người bạn đời là nhà thơ Lê Giang, tiêu biểu như: Khúc hát người khai hoang (1977), Bên tượng đài Bác Hồ (1978), Hãy yên lòng mẹ ơi (1978), Bài ca đất phương Nam (1997)… Ngoài sáng tác ca khúc, anh còn tham gia sáng tác ở những thể loại khác như: ca múa cảnh, khí nhạc, hợp xướng, nhạc sân khấu và điện ảnh; các công trình sưu tầm, biên soạn và nghiên cứu âm nhạc.
Trong các nhạc sĩ Bình Dương tham gia sáng tác dòng nhạc cách mạng còn có Nhạc sĩ Thanh Sơn, tên đầy đủ là Nguyễn Thanh Sơn, sinh ngày 15 tháng 6 năm 1942 tại Thủ Dầu Một, Bình Dương.
Hoạt động nghệ thuật trong Quân Giải phóng từ những năm 1961 – 1964. Sau đó, học nhạc tại trường Cam Giang. Ông nguyên là nhạc công chơi Accordéon. Năm 1971, ra Bắc học tại trường Âm nhạc Việt Nam, Khoa Sáng tác. Năm 1975, tiếp tục học Đại học tại Nhạc viện Tp.HCM. Từ năm 1987, một thời gian ông phụ trách Đoàn Ca nhạc nhẹ Tháng Tám.
Nói đến dòng âm nhạc cách mạng ở Bình Dương, chúng ta không thể không nhắc đến Đoàn Văn công Bình Dương. Thành lập từ tháng 12 năm 1960, đoàn có tên gọi ban đầu là Đoàn Văn công Thủ Biên mà cái nôi là chiến khu D. Quân số ban đầu chỉ có 7 người, do đồng chí  Nguyễn Danh làm trưởng đoàn. Nhạc cụ ban đầu của đoàn chỉ là một cây đàn ghi-ta thùng, một cây đàn măng-đô-lin; phông màn là những chiếc võng ni-lông, những chiếc áo đi mưa; ánh sáng là chiếc đèn măng-xông cũ kỷ. Tất cả chỉ có thế và một trái tim nhiệt tình cách mạng. Thế mà những chuyến lưu diễn của đoàn từ vùng dân tộc Bù Cháp, Tà Lài đến những vùng sâu như An Sơn, An Thạnh, Bà Lụa, Bình Nhâm, Lái Thiêu…. đều được đồng bào yêu mến, tán thưởng và đón nhận với những tình cảm yêu mến, chân tình. Sống, chiến đấu và phục vụ trên quê hương, được nhân dân thương yêu, chở che và đùm bọc là nguồn động viên, cũng là nguồn sức mạnh to lớn để anh chị em diễn viên trong đoàn vượt qua biết bao hy sinh, gian khổ để giành lấy thắng lợi cuối cùng là giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.    
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, công cuộc kháng chiến chống Mỹ giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc đã giành lấy thắng lợi hoàn toàn. Từ đây, lịch sử dân tộc VN đã sang trang mới, mở đầu cho thời kỳ Độc lập-Tự do và thống nhất Tổ quốc. Dòng âm nhạc yêu nước và cách mạng có điều kiện phát triển và lan toả đến khắp mọi miền của Tổ quốc. Phong trào văn nghệ quần chúng nở rộ ở khắp nơi. Đâu đâu cũng rộn vang tiếng hát, tiếng đàn. Âm nhạc Bình Dương cũng từ đây, bước sang một chặng đường phát triển mới.
Bên cạnh các khúc cách mạng, trong chương trình hội diễn của các đội văn nghệ quần chúng ở các địa phương, người nghe đã có dịp làm quen với các ca khúc viết về Sông Bé của hai nhạc sĩ Nguyễn Bé SáuGiáp Văn Thạch.       
Nhạc của Nguyễn Bé Sáu chân chất, ngọt ngào như tình người Sông Bé. Lời ca trong các ca khúc của anh không trau chuốt, không văn hoa, bóng bẩy mà mộc mạc giản đơn như câu hát dân ca. “Sông Bé đây rồi anh tìm đâu nữa, Sông Bé đây rồi cho anh trọn hứa, Sông Bé đây rồi chan chứa yêu thương…”.
Khác với những ca khúc mang âm hưởng dân ca của Nguyễn Bé Sáu, nhạc của Giáp Văn Thạch trẻ trung và đa dạng hơn. Bên cạnh những ca khúc sâu lắng, trữ tình anh còn sáng tác các ca khúc có tiết tấu nhanh, vui tươi, sôi nổi được sử dụng trong các buổi sinh hoạt ca hát tập thể. Nhưng phải đến khi ca khúc Quê hương (phổ thơ Đỗ Trung Quân) ra đời thì tên tuổi của anh mới được nhiều người biết đến, rồi sau đó mới đến ca khúc Cánh hoa bay.
Ngày 02 tháng 10 năm 1977, Đài phát thanh Sông Bé được thành lập. Đây là một niềm vui lớn cho nhân dân và những người hoạt động văn học nghệ thuật tỉnh nhà, nhất là hoạt động âm nhạc. Lúc này, không chỉ có Nguyễn Bé SáuGiáp Văn Thạch, mà hàng loạt các cây bút sáng tác âm nhạc đã bắt đầu xuất hiện như: Nguyễn Văn Trạng, Phan Hữu Lý, Đỗ Thành Huấn, Võ Đông Điền, Lê Trung Hiếu, Phạm Đắc Hiến, Đặng Quang Vinh, Đỗ Hữu Xuân, Nguyễn Thanh Bình… dự báo một mùa bội thu âm nhạc trên quê hương Sông Bé. Và mùa bội thu ấy thực sự đã đến. Hàng loạt các ca khúc mới viết về quê hương Sông Bé được ra đời. Mỗi người đều có một ca khúc riêng để khẳng định tên tuổi của mình. Có thể kể đến như: Cánh đồng vàng lộng gió (Giáp Văn ThạchDạ Lan Hương), Anh sẽ về thăm lại quê em (Võ Đông Điền), Chiều Sông Bé (Lê Trung Hiếu), Tình yêu nào đưa ta đến (Phan Hữu Lý), Khúc hát trên quê hương mùa hẹn (Đặng Quang Vinh), Chợ Thủ quê hương (Đỗ Thành Huấn), Nghe tiếng hò trên đồng lúa Tân Ba (Phạm Đắc Hiến)…
Đầu năm 1997, tỉnh Sông Bé được chia tách thành hai tỉnh: Bình Dương và Bình Phước. Các nhạc sĩ lại sẵn sàng tiếp tục đảm trách nhịêm vụ mới: người đi Bình Phước, người ở lại Bình Dương. Dù ở nơi đâu, các nhạc sĩ vẫn đem hết nhiệt tình cách mạng phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của địa phương bằng những ca khúc tràn đầy niềm tin và sức sống trong thời kỳ đổi mới. 
Ca khúc đầu tiên viết về Bình Dương sau khi được tái lập đó là Người đẹp Bình Dương của nhạc sĩ Võ Đông Điền và đã được Đài PTTH Bình Dương phát sóng đầu tiên.
Tên tuổi của nhạc sĩ Võ Đông Điền thực sự được mọi người biết đến khi ca khúc Tiếng hát chim đa đa của anh, do Quang Linh biểu diễn được chương trình ca nhạc Làn sóng xanh tặng thưởng là Ca khúc được nhiều người yêu thích nhất trong năm 1999.        
Năm 1998, tỉnh Bình Dương đã tổ chức cuộc vận động sáng tác âm nhạc nhân kỷ niệm Thủ Dầu Một – Bình Dương 300 năm, huy động một lực lượng sáng tác hùng hậu trong cả nước tham gia. Một khối lượng đồ sộ các tác phẩm âm nhạc có chất lượng nghệ thuật đã ra đời. Có thể kể đến như: Một thoáng Tân Uyên (Hoàng Hiệp), Bình Dương ngày nắng mới (Nhất sinh), Bình Dương một khúc ân tình (Văn Thành Nho), Từ đường 13 ta ra đi (Nguyễn Đồng Nai), Quê hương mình Bình Dương (Phạm Đăng Khương)… Sự kiện này đã có tác dụng tích cực đối với hoạt động âm nhạc ở Bình Dương. Nhiều ca khúc đến nay vẫn còn được sử dụng và biểu diễn rất thành công trên các sân khấu ca nhạc của tỉnh.
Bình Dương như  miền đất lành luôn dang tay đón chào các nhà đầu tư và các văn nghệ sĩ. Nhiều khu công nghiệp được mở rộng và phát triển, nhiều ca khúc mới về Bình Dương cũng lần lượt ra đời, đó là Người Bình Dương bay theo đường đất nước, Đưa em về Thanh An, Bên kia giàn thiên lý của nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Đất Thủ quê tôi của Lư Nhất Vũ Vũ Kim Sa, Hát cùng Bình Dương của Từ Huy, Bình Dương một khúc tâm tình của Nguyễn Văn Hiên…Tất cả đã làm cho bức tranh âm nhạc ở Bình Dương thêm nhiều màu sắc đa dạng và phong phú.   
Năm 2000, Câu lạc bộ sáng tác Âm nhạc ở Bình Dương được thành lập, bao gồm những nhạc sĩ tâm huyết với hoạt động âm nhạc ở Bình Dương như: Phan Hữu Lý, Võ Đông Điền, Lê Trung Hiếu, Phạm Đắc Hiến, Đỗ Phú Thông, Trần Hữu Du, Nguyễn Công Dinh, Phạm Minh Thuận… Đây là nơi để các nhạc sĩ Bình Dương trao đổi kinh nghiệm sáng tác, “trình làng” các tác phẩm mới của mình, cũng như tổ chức những chuyến đi thực tế để tìm hiểu và sáng tác những ca khúc về quê hương và con người Bình Dương. Nhiều nhạc sĩ đến từ Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tp. HCM. . . với niềm say mê sáng tác âm nhạc nhiệt tình đã tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ sáng tác ca khúc tỉnh Bình Dương và đã mang đến cho người yêu nhạc Bình Dương nhiều tác phẩm có giá trị nội dung và nghệ thuật tốt.
Ngoài những nhạc sĩ trong CLB sáng tác âm nhạc của Tỉnh, sự góp mặt của những tác giả đã trưởng thành trong phong trào văn nghệ quần chúng ở các địa phương như: Minh Chi, Thanh Nhàn (Thuận An), Mai Văn Đặng, Văn Lành, Đào Khương, Nguyên Hồng (Dĩ An), Hữu Lợi (Dầu Tiếng)… đã làm cho vườn hoa âm nhạc ở Bình Dương càng thêm phong phú và đậm đà hương sắc.
Giáp Văn Thạch, Nguyễn Bé Sáu, Đỗ Hữu Xuân, Lê Trung Hiếu, Đỗ Phú Thông, Đào Khương, Mai Văn Đặng giờ đã ngủ yên trong lòng đất quê hương. Còn lại những nhạc sĩ Bình Dương hôm nay vẫn âm thầm, lặng lẽ gom góp hương hoa dâng mật cho đời, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng tỉnh nhà trong thời kỳ đổi mới. Nhịp sống công nghiệp làm cho ta luôn tất bật với công việc thường ngày, nhưng mỗi khi nghe lại một ca khúc nào đó viết về Bình Dương, ta dường như cảm thấy thân thương, ấm áp lạ thường.

                                                                                    V.Đ.Đ

Không có nhận xét nào: